Minh Ngoc's Journey

A Life Traveller – A Storyteller – A Writer

Viết cho đất nước tôi

vi-sao-toi-viet

“Finland không fair với em chị à!” – một đất nước mà tôi yêu quý sao lại tạo cảm xúc như thế này?

Có cái gì ấm ức, nghẹn ngào được thốt ra từ cậu trai ngồi đối diện, sau khi tôi hỏi “Thế bây giờ giữa Đức và Phần  Lan, em cảm thấy như thế nào về 2 đất nước này?”

Tôi không biết câu hỏi đó của mình lại khơi nguồn cho một chuỗi quá nhiều cảm xúc có phần uất ức của cậu, một người trạc 30 tuổi rồi. Trong cái rôm rả của những con người xung quanh nói cười và những cái cụng ly canh cách, cậu im lặng. Cúi đầu chừng 2 giây, cậu ngước lên nhìn tôi, đôi mắt cậu có chút đỏ và nhoè lệ. Tôi không rõ hình ảnh đó có phải sự thật đã xảy ra, hay do chính bản thân tôi cũng bị đôi mắt lờ mờ của mình đánh lừa. 

Cậu nói “Nếu sống được ở Phần Lan, không việc gì em phải qua Đức chị ạ. Em hiện tại vẫn đang giữ visa sinh viên đấy.” 

Lập tức, cậu trai hóm hỉnh tươi cười và cái ấn tượng bất cần đời và có phần bụi bặm câu thảy cho tôi 5 phút trước đây tắt ngúm. Tôi mới biết cậu thôi, trong buổi tiệc cuối năm với vài người bạn. Trong đám, có mỗi tôi là có dính líu tới Phần Lan, nên bạn tôi giới thiệu tôi và cậu làm quen. Cái giao lưu xuề xòa lúc đầu về công việc, các đồng nghiệp và những giờ “cả công ty nấu rượu Giáng Sinh” của cậu đã tưng bừng không khí của cái bàn tròn hôm đó. 

Vậy mà, tôi đâu ngờ, khi còn tôi đối diện cậu, giữa hai con người xem Phần Lan là đất nước đầu tiên mình đặt chân đến cho hành trình du học, cậu làm tôi bất ngờ quá. Tôi không có một sự chuẩn bị nào cả. 

Tôi chưa kịp hỏi thêm, cậu đã phân trần “Bây giờ nghĩ lại, em cảm thấy họ không công bằng với mình. Những cái họ dạy chỉ tập trung vào làm start-up, tinh thần khởi nghiệp. Tất cả các môn em học, đều là kiểu Hãy nhắm đến mặt trăng, tệ nhất bạn sẽ với tới các vì sao. Họ đâu có nghĩ sau khi ra trường, cái bọn như em không xuất thân từ một gia đình danh giá, đâu có ai tài trợ … mà đòi khởi nghiệp. Lúc đi học, em cũng nghĩ là học xong ra trường đi kiếm việc làm và ổn định với công việc đó. Vậy thôi. Nhưng em đâu có ngờ, những kỹ năng xã hội cần, những cái mình không có, không một người thầy nào nói với bọn em là Hãy học cái này đi vì ra trường sẽ cần để kiếm việc làm. Không một ai chị à.” 

Tôi bị sốc. Tôi chưa gặp ai phản ứng mạnh và có phần … căng như vậy, nhất là khi nói về đất nước tôi yêu quý. “Thế em qua đó khi nào? Ra trường thì em làm gì? Và các bạn đồng lứa của em bây giờ ra sao?” 

Nhếch  mép, cậu khinh khỉnh “Em qua đó là 2011. Ra trường thì em đi nướng xúc xích. Chắc cũng vài năm. Nếu có công việc lao công thôi, có hợp đồng, thì chắc em không đi sang Đức làm gì.” Tôi bị sốc tập hai khi nghe lời lẽ này. Thật đấy! 

“Đám bạn thuở đó bây giờ cũng đa phần làm việc tay chân thôi chị. Nhưng bọn nó kiểu như vô biên chế rồi!” 

Sốc tập 3. Tôi không hiểu sao các bạn ấy có thể làm như vậy, với chính cuộc đời mình. Cái gì thôi thúc sự nhẫn nhịn này đến vậy? 

Hỏi thêm thì tôi biết gia đình bạn xem việc bạn đi học là một chuyến đổi đời. Bằng mọi giá phải đi. Còn đi xong làm gì nữa thì không ai biết, cũng không có ai lúc đó nói hay chia sẻ gì cả. 

Cá nhân tôi trong chuyện này, em tôi từng nói với tôi rằng “Nếu học xong ra trường, 2 năm cố gắng rồi mà không có việc làm thì đi về đi chứ ở đó làm gì. Có ai trọng dụng gì mình đâu.” Đứa bạn đồng nghiệp tôi hay hỏi han cũng gật gù “Em mày nói đúng đó chứ buồn tủi gì. 2 năm mà không có việc làm thì đợi tới bao giờ. Đi về đi chứ làm gì.” 

Tôi từng nghĩ hai người đó chả hiểu gì cả, thị trường việc làm bên này khó khăn lắm chứ, đòi hỏi ngôn ngữ bản địa, rồi cạnh tranh với dân tứ xứ và cả dân của họ. Một người nộp 300 hồ sơ mà được gọi phỏng vấn 2 lần là chuyện bình thường đó. 

Nhưng tôi cũng không cho phép bản thân mình đi nộp đơn làm những công việc tôi không được đào tạo. Cùng lắm là làm công việc được đào tạo nhưng chấp nhận đi từ nấc số không mà thôi, tôi không cho phép bản thân mình “làm cái gì cũng được, miễn ở lại được là được.” 

Nhìn lại, tôi cầm bằng tốt nghiệp năm 2019, là 2 năm rồi đó. Tôi khác gì với cậu trai kia? 

Tôi có phần may mắn hơn, tôi có một gia đình luôn mở cửa. Ba tôi lâu lâu lại hỏi “Dạo này sao rồi? Không có việc hoặc khổ cực quá thì về thôi con, không sao đâu” 

Tôi có phần lì lợm với ý nghĩ của mình “Lấy ngắn nuôi dài, nhưng nhất quyết không bán thân bán mình cho những cái tôi không thích. Không được chỗ này sẽ có chỗ khác hiểu và trọng dụng giá trị của mình.” 

Tôi có phần sợ hãi và ôm hết cái lo vào lòng trước khi làm một chuyện trọng đại. Tôi cũng có ý định đi học như cậu bạn ấy, từ 2011 rồi kìa, nhưng tôi sợ lắm. Tôi không biết còn rủi ro gì tôi chưa thấy hoặc chưa chuẩn bị hay không. Nên tôi đi gom góp kinh nghiệm, kiến thức, bỏ hết vào bị dán nhãn “Khả năng sinh tồn” và “Phao cứu sinh”, để có lỡ bị gì đó, tôi tự cứu mình được. 

Cuối cùng, có lẽ tôi khác cậu ấy một chỗ, tôi không đi học vì tôi muốn và bắt buộc bản thân phải dính với một đất nước nào đó, để làm cái người khác cũng làm. Có lẽ tôi đi thật xa thật lâu vì tôi ích kỉ hơn cả cậu, tôi muốn đi tìm chính mình, đi tìm giá trị của mình. 

Thế nên trong tất cả những năm tháng xa nhà, tôi không lần nào phủ nhận tôi là người Việt Nam da vàng với bất kì một ai. Tôi từng ngây ngô tự hào vỗ ngực mình là người Việt, cho dù có tốt có xấu, tôi vẫn là người Việt. Tôi đang đi học những cái hay ở nước các bạn. Tôi biết tôi vẫn đủ khả năng tạo ra giá trị gì đó từ nơi đã nuôi tôi lớn, và từ những nơi đã cho tôi những góc nhìn giáo dục mới. 

Nếu như em trai ấy có ai đó bên cạnh lúc yếu lòng, có cảm giác được tự do quay về nhà, có một chút sự chuẩn bị nhiều hơn trước hành trình xa xứ; tôi tin em ấy đã trả lời tôi khác lắm. 

Cuộc trò chuyện này vô tình thúc đẩy tôi nhiều hơn về lý do tôi viết các bạn ạ. Tôi có một khát khao kì quặc lắm. Tôi muốn thấy tên đất nước mình được thốt ra một cách tự hào hơn, to rõ hơn. Tôi muốn thấy sự sẵn sàng, tự tin của người Việt trên trường quốc tế. Tôi muốn thấy nhiều cái tên người Việt được nhắc đến như là động lực, là cảm hứng cho hàng ngàn những con người khác, xa xứ hay ở nơi quê đất mẹ.  

Vậy đó, tôi là junior trong viết lách. Tôi rõ ràng mới viết và đăng tải từ tháng 08 năm nay thôi. Cái tôi muốn là dùng ngòi bút này chia sẻ lại những khó khăn, thử thách; không phải để thiêu rụi tình thần và ước mơ của những người khác; mà để những người đi sau tôi có sự chuẩn bị kỹ càng hơn, tự phát triển được tư duy tốt hơn tôi, và thực hiện được giấc mơ của mình một cách tự hào và hạnh phúc nhất, đúng với bản chất và giá trị của chính con người họ. //

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

DMCA.com Protection Status