Minh Ngoc's Journey

A Life Traveller – A Storyteller – A Writer

Thương Hiệu Cá Nhân

thuong-hieu-ca-nhan

Thú thật với mọi người, mình chưa có ý định viết về thương hiệu (branding) hay cụ thể hơn là thương hiệu cá nhân đâu. Một phần vì bản thân cảm thấy chưa xây xong cái thương hiệu riêng của mình nữa thì nói gì với ai đây. Một phần vì mình không phải dân chuyên làm thương hiệu. Đúng đắn thì mình chuyên phân tích thương hiệu hơn là đi xây (ừ, như một chị sếp từng nói, chỉ trích thì dễ lắm chứ xây lên thì mới khó). 

NHƯNG bác trụ lại vồ vập thả cho mình mấy quả hay ho quá. Mình sợ không viết lại … mình sẽ quên mất. Thôi không dài dòng nữa, vậy giờ nếu mình hỏi bạn “Thương hiệu cá nhân của bạn là gì?” hay “Bạn đang đại diện cho cái gì?”, bạn sẽ nói gì với mình?

Ừ, khoan hãy nói ra, bạn viết ra giấy các tính từ, đặc tính, cảm nhận của bạn về chính bạn, bạn kèm hình ảnh minh họa cũng được. Lát sau mình sẽ nhìn lại ha. 

1. Thương hiệu cá nhân (Personal Brand) 

Nếu vẫn còn mơ hồ và khăng khăng bạn không có một thương hiệu cá nhân nào cả, xin khẳng định luôn: Bạn có đó, có lẽ bạn chưa để cho chính mình được lên tiếng thôi. 

Mình từng viết “Dù muốn dù không, cái ngày bạn sinh ra đời, bạn đã có cho mình một thương hiệu cá nhân rồi. Nó là cái cách những người xung quanh nhìn nhận bạn. Theo thời gian, tùy thuộc vào những gì bạn làm, nói hay không làm, không nói; mà cái thương hiệu đấy sẽ thay đổi.”

Nghĩa là, dù bạn có ngồi im, không nói, không làm gì cả, người ta cũng đã có định kiến về bạn rồi. Mà phàm trên đời này, đâu ai muốn bị dán nhãn sai. Nên bạn lên tiếng và cho người khác thấy hình ảnh của bạn càng sớm cái thương hiệu đấy sẽ càng rõ ràng, và gần với mong cầu của bạn chừng đó. 

Bài viết của mình về Giọng điệu hay Thương hiệu cá nhân của người viết - một bài được chọn đăng trên trang On Daily Writing. Bạn có thể đọc ở đây. 

Tóm lại, thương hiệu là ấn tượng của một ai đó về một cái gì hay cá nhân nào đó. Nó áp dụng cho cả các thương hiệu trên thị trường luôn nhé. 

2. Định vị thương hiệu cá nhân hay Cách làm Personal Branding 

Nơi nào có cảm xúc, nơi đó có ấn tượng và dấu ấn riêng. Và từ những nơi đó, những hành động định vị thương hiệu sẽ xảy ra. 

Nhìn theo lát cắt cuộc sống đời thường, thương hiệu cá nhân của bạn có thể là “Là một học sinh chăm chỉ, ngoan, hiền. Biểu hiện qua việc luôn luôn làm bài tập về nhà, luôn thuộc bài, không nói chuyện trên lớp v..v..”. Đó chính xác là dấu ấn cảm xúc bạn để lại cho một giáo viên đúng không? Nó là thương hiệu của bạn đó. 

Vậy khi đi làm thì sao? Thương hiệu cá nhân của bạn lúc này sẽ được phân bổ cho đồng nghiệp ngang cấp, cho sếp trực tiếp, cho sếp tổng, cho phòng nhân sự v..v.. Bạn để ý  nha, nó sẽ có những từ đại loại như “con bé đó sharp lắm, nói 1 hiểu 10, rất nhạy với thị trường; rất có trách nhiệm, tự tin thuyết trình” (là dạng ấn tượng từ sếp trực tiếp của bạn đó). Hoặc nó có thể là “cô bé ấy có hơi yếu so với các nhân sự khác, nhưng rất chịu khó, thẳng thắn bộc lộ nguyện vọng, luôn cố gắng học hỏi và tham gia đầy đủ các lớp training, lại còn chịu khó ngồi hướng dẫn cho các bé mới vào nữa” (là dạng ấn tượng của một HR dành cho bạn đấy). 

Chung quy lại, thương hiệu cá nhân chính xác là cái cách một ai đó sẽ nghĩ và nói về bạn khi bạn không có mặt ở đó (nếu nó tốt và họ được hỏi, họ sẽ trả lời). 

Cái này áp dụng cho tất cả mọi mối quan hệ nha. 

3. Bạn đang xây thương hiệu cá nhân của mình như thế nào? 

Đây là cái mình hơi khựng lại vì mình thấy chưa chắc chắn lắm về bản thân. Nhưng với hai bài review của bạn Phượng và bé Loan, cùng bài viết siêu bổ ích của chị Ánh; mình cũng phải gật gù viết bài đối đáp ạ vì lỡ vô thế rồi. 

Bạn còn nhớ bài viết của #ngày100, mình đã nhờ mọi người tặng lại mình 5 tính từ mô tả mình không? Đây là cách đơn giản nhất bạn có thể kiểm tra xem, trong mắt mọi người, bạn như thế nào? Các bạn cũng nên làm thử nếu được nhé. 

Lần đó, mình cũng bất ngờ khi nhận được feedback của mọi người. Một số bạn không cần đọc lại các bài mình viết, mà “sổ” một tràng các từ mô tả. Một số khác đi đọc lại bài mình viết và gửi lại chiếc comment. Mình cũng vậy thôi, mình cũng đọc lại một số bài với một số bạn nếu mình chưa có nhiều thông tin về bạn đó. 

Lưu ý: Tùy vào đối tượng bạn muốn tìm hiểu mà bạn có thể đặt câu hỏi này với họ. Tuy vậy cũng lưu ý kỹ thuật đặt câu hỏi nhé. 

Phần này sẽ hơi kỹ thuật một chút:

– Trong ngành research, bọn mình có thuật ngữ Top-of-mind. Từ này nghĩa là, không cần đối phương suy nghĩ lâu, không cần đọc lại xem lại gì cả, khi được hỏi, họ trả lời được ngay. Một khi một ai đó có sẵn câu trả lời về một cái gì đó, người đó đã đủ ấn tượng về chủ thể/đối tượng đó rồi. Nó như kiểu nếu mình hỏi bạn, “Gần mặt trời thì …?”; bạn rất dễ bật ngay chữ NÓNG. 

– Trường hợp còn lại, đi mở bài đọc lại, ngồi nhớ lại v..v.. nghĩa là bạn chưa đủ nổi hay ấn tượng để một người nhớ ngay ra đặc tính của mình. 

Tất nhiên, trên nấc thang đi tới một thương hiệu cá nhân “xịn”, nó sẽ có nhiều yếu tố lắm. Nhìn theo các vòng tròn của chị Ánh, bạn sẽ có Biết – Thích – Nhớ – Thương. Nhìn theo hành trình khách hàng hay kỹ thuật viết, bạn sẽ có AIDA Attention – Interest – Desire – Action. Chữ A đầu tiên, muốn có sự chú ý, nghĩa là người ta phải biết tới bạn rồi đúng không? 

Với đám người chuyên cân đo đong đếm đi đo lường thương hiệu nhà người ta như mình, hai công thức trên chưa đủ. Bọn mình sẽ cần có một vài chỉ số khác như: 

  • Brand Loyalty – nghĩa là sau khi thương hay take action (mua sản phẩm/dịch vụ hay làm cái gì đó với bạn) thì họ có quay lại tương tác với bạn không? 
  • Brand Ambassador hay Recommendation – rồi họ có yêu thích/thương bạn/tin tưởng bạn đến độ họ tự nguyện làm người giới thiệu bạn với người khác không? 

Ví dụ: khi bạn nghỉ việc, sếp trực tiếp hay có ai đó trong công ty còn giữ liên lạc với bạn không? Thậm chí, nếu trong quá trình kiếm việc, có ai ở công ty cũ, đặc biệt là sếp hay phòng nhân sự biết mà giới thiệu bạn với một công ty nào khác không? Nếu có, nghĩa là bạn đã để lại một ấn tượng khá tốt trong mối quan hệ công sở rồi đó. Bởi vậy, sống tốt đời đẹp đạo ông trời sẽ thương. 

Bây giờ, nhìn lại các tính từ bạn viết lúc đầu, và đi so với các tính từ bạn nhận được từ người khác; nếu giống nhau thì quá tốt. Nếu không, thì bạn tự hỏi xem bạn muốn chỉnh nó như thế nào nhé. 

4. Ví dụ một chút của thương hiệu xịn

Mới đây thôi, mình thấy Simon Sinek (một thought leader siêu xịn) đăng một chiếc post … đi bán áo lạnh zá $80. Mình có hơi kiểu “Ủa, ủa sao giờ đi b.á.n hà.ng rồi?”. Cũng có một số comment chế giễu ông ấy ghê lắm, họ còn bảo “Cái áo dát vàng hay gì mà $80?”. 

Mình cũng tám mà, lội xuống đọc, thì bạn biết sao không, một ông nói xấu idol thôi mà một trăm hai trăm ông nhào vô bênh. Chưa thấy ông Sinek ứ hự gì, mà bao con người bảo là “Tôi mua đấy. Cái giá đó mà mua chiếc áo có câu quote của Simon thì quá tự hào. Nó là mình chứng bọn tôi là like-minded. Nó cho thấy tôi ủng hộ những giá trị tốt đẹp mà Simon đã truyền đi bao nhiêu năm qua.” 

Giá trị! 

Đúng rồi đó. Bạn có thể được biết đến, gây sự chú ý bằng nhiều kiểu khác nhau. Nhưng để được tin tưởng và bảo vệ như Simon; trước hết thương hiệu của bạn phải có giá trị gì đó, liên quan tới nhóm đối tượng bạn nhắm đến. 

5. Ví dụ hai chút về mình

Không trùng hợp lắm đâu khi Loan sau khi review blog của mình, đã đưa ra một số nhận xét như “Người như thế nào Blog thế đó”, tích cực, hữu ích, sharing, cá nhân, storyteller, traveller  v..v.. Bạn cũng sẽ thấy đâu đó chiếc review của Phượng ở #ngày138 về cá nhân mình và một vài nét hao hao với tính cách của chiếc blog. 

Thú thật, trước khi lập blog, mình xác định đây là nơi mình được làm mình nhất. Giá trị cốt lõi sẽ là sự chân thật (genuine), trải nghiệm cá nhân và những bài học đã qua. Nó thuần … nhật kí online. Vì vậy, tên chiếc blog cũng là mnsjourney và cái đuôi chấm me chứ không phải chấm cơm là vậy. 

Nói một cách khác, khi gặp trực tiếp nói chuyện hay khi bạn đọc bài trên chiếc blog đó, đối phương nên có một loại cảm xúc và ấn tượng nhất quán về mình thôi. Blog lúc này chính xác là hiện thân con người thật của mình. 

6. Viết và tự phơi bày trần trụi vậy có đáng sợ không? 

Nhân nói về chuyện này, đây là lý do mình sợ viết công khai. Thuở đầu, mình tạo page và chỉ có vài người bạn (thân) theo dõi. Mình thoải mái chia sẻ không ngần ngại, mặc dù khởi đầu vẫn là kể lại những điều tích cực và bổ ích. Nhưng cho tới khi, một vài người lạ like page, mình hơi chùn bước. Gần đây nhất là một vài bài viết của mình “được” share, mình lại càng chùn bước. Mình sợ! 

Mình có cảm giác không an toàn. Mình sợ kiểu bị soi rọi, hoặc đàm tếu, hoặc … hằng hà sa số các thứ khác. Nó như kiểu mình từng đi cắt tóc mà không ai nhận ra sự khác biệt ngoài mình. Cũng giống kiểu mình viết bài đăng blog, càng không được SEO chuẩn càng tốt, để không ai mò ra được. Tréo ngoeo ha! 

Xong cái mình nghĩ “Đúng là mình bắt đầu viết chỉ để viết thôi, là viết cho chữ tuôn ra bớt. Viết cho ký ức được giữ lại. Và viết để những điều tốt đẹp được lan đi.” Ế, viết để được lan đi, vậy tại sao sợ bị đọc, sợ bị “share”. Khi ngẫm nghĩ tới đó, mình … có đỡ sợ hơn rồi. 

Hồi đó sợ bị ai đó để ý, nhưng bây giờ hiểu là có mình mình mới soi mình thôi. 

Hồi đó sợ bị cười chê vì kiến thức hạn hẹp, bây giờ hiểu không ai là biết hết. Nếu sợ thì mỗi ngày đều phải cố gắng lên thôi. 

Ờ, vậy đó, nên nếu ai thích thì cứ theo dõi, đọc cho vui, lụm được gì thì lụm. Còn không ai đọc, thì mình đọc. Lâu lâu bắt mấy đứa bạn thân giả vờ comment cho vui cửa vui nhà là được >__<

Nhưng mình biết, từ ngày mình viết nhiều hơn trên chiếc blog cá nhân này, mình cho phép tiếng nói của bản thân được phát ra. Nhờ đó, mình cũng có ấn tượng rõ ràng hơn về chính bản thân mình. Mà thương hiệu cá nhân ruốt cuộc nên xuất phát từ ý niệm rõ ràng của bản thân người đó trước đã, nhỉ?

One thought on “Thương Hiệu Cá Nhân

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

DMCA.com Protection Status