Minh Ngoc's Journey

A Life Traveller – A Storyteller – A Writer

THE GUIDE | NGƯỜI CHỈ ĐƯỜNG 

unrecognizable couple of travellers standing near information board

Con đường từ nhà tới văn phòng của mình có thể đi bằng hai cách: một là đi một chuyến xe bus liên tỉnh đầu bến tới cuối bến và hai là đi chắp và một chuyến bus ra nhà ga tàu lửa và đi tàu tiếp sang thành phố khác. 

Nếu đi cách một, mình chỉ yên vị một nơi nhìn ngắm đường xá nhưng thời gian sẽ bị lâu hơn, mất gần 1 tiếng di chuyển. Nếu đi cách hai, mình có nguy cơ không có ghế ngồi và cần transit nhiều hơn, nhưng lại đi nhanh hơn những 15 phút. 

Trước đây mình hay chọn cách một, đơn giản thoải mái, vừa ngồi xe vừa tranh thủ nghe nhạc/podcast hay đọc bản tin. Nhưng từ ngày nữ tài xế có tay lái lụa và luôn hốt hoảng trễ giờ, mình có phần lo lắng cho vận mệnh bản thân nên cũng đổi sang phương án hai. Vì chuyến tàu mình đi thường sẽ nối dài từ Thụy Điển sang hẳn sân bay quốc tế Copenhagen của Đan Mạch, lẽ thường các chuyến này luôn tấp nập khách du lịch và cả sinh viên theo học tại khu này. 

Khách du lịch cũng có nhiều loại, một là người nội địa nghe đọc hiểu tiếng Thụy cần đi bay, hai là người đã tới Thụy từ thành phố khác và tiếp tục rời đi ở điểm dừng chân này. Trong một tháng đổ lại đây, mình có dịp chỉ đường cho cả hai nhóm. Ở cả hai lần tiếp xúc, mình đều từng đã ở vai trò mà họ đã từng. 

Lần đầu tiên, khi mình leo lên tàu lửa, các khoang đều kín chỗ, còn mỗi một hàng ghế ngồi đối diện nhau, khuất sau buồng nghỉ ngơi của nhân viên soát vé là còn chỗ. Có một bạn nữ người Trung Đông đã ngồi đó trước, kèm một chiếc vali cực kì to bên cạnh. Mình hỏi xem có ngồi đối diện được không thì bạn gật đầu. 

Như lệ thường, mình lấy điện thoại ra đọc tin tức và thường sẽ không quan tâm lắm tới mọi thứ xung quanh. Vậy mà bạn hành khách đối diện làm mình chú ý, nỗi lo lắng của bản lộ rõ không chỉ ngoài mặt mà còn cả các cử chỉ hành động nhấp nhóm thấp thỏm lúng túng. Xe lửa dừng ở chặng nào, là mặt mày bản tái mét lại, rối bời. Tới ga trung tâm của một thành phố lớn, xe dừng lại lâu hơn hẳn những nơi khác, cũng ít nhất 3 phút. Hầu hết hành khách đang ngồi cũng đứng dậy bước ra. Bản lại càng hớt hải đứng lên ngồi xuống. Cuối cùng thì hỏi mình xem chuyến tàu này có tới sân bay quốc tế không? Bản hỏi bằng tiếng Thụy.

Mình tuy sống ở đây cũng lâu nhưng eo ui tiếng Thụy giỏi lắm là đếm được số. May là bản đưa ra tấm vé có điểm đến. Hiểu ra sự cuống cuồng của bản, ruốt cuộc mình mở app lên và chỉ cho bản thời gian chính xác bạn cần bước ra khi tới sân bay. Nó sẽ là một trạm sau khi mình rời đi. 

Có vậy thôi đó, mà bản thở phào nhẹ nhõm cảm ơn mình rối riết. Sau đó mình mới sực nhớ lại, trong lúc mình ngồi xem điện thoại, hình như là bản ngồi cầu nguyện trong sợ hãi nữa kìa. Quả thật, bản làm mình nhớ lần đầu tiên mình bước tới Thụy. Lúc đó, thẻ ngân hàng của mình bị cuỗm ở Tây Ban Nha, chỉ có tiền mặt, hai tay hai chiếc vali to đùng ngoài trời mùa đông rét, và chuyến tàu của mình rạng sáng nên cũng không có một ai đang làm việc để hỏi. Lần đó, mình khệ nệ kéo vali từ cảng biển sang ga tàu lửa, chừng 2 cây số và chỗ đó cũng là lần đầu tiên mình tới. Hên là người đi đường giúp đỡ. Hên là cuối cùng cũng về tới nhà trọ. 

Còn lần gần đây nhất là tuần trước, cũng gặp trên tàu, cùng hàng ghế ngồi đối diện nhau. Lần này là cặp vợ chồng già, ông một ghế, bà một ghế, vali to để ở trên đầu. Ông bà vừa ngồi vừa xem ipad rất chill. Nhưng cũng lại tới cái ga trung tâm to to và dừng lại rất lâu, bà chột dạ bảo ông “Ơ, nếu mình bước ra thì giờ đi đâu nữa? Tôi chả biết cái ga tiếp theo nên tới là ga nào?”. Mà kịch tính là ai ngồi xung quanh cũng đang hớt hải đứng lên và lôi vali của họ theo. 

Hai người này cũng đi tàu bằng việc mua vé giấy (chứ không phải vé từ app điện thoại) nên mình cũng đoán họ là dân du lịch rồi. Thế là ông cụ quay sang nhìn mình và hỏi “Chuyến này có tới sân bay không?” Hên là họ nói tiếng Anh và hên là trước khi tàu dừng tại ga, các bảng điện tử đang hiện lên khá rõ giờ giấc và trong đó có ký hiệu sân bay. “It should (Nó đúng là sẽ tới sân bay đó ông, ông nhìn kìa)”. 

Chẳng trách được vì thông báo trên tàu là bằng tiếng Thụy. Và theo quán tính, khi bỗng dưng tàu ngừng lại lâu thật lâu, ai đang ngồi xung quanh cũng đứng lên hết và kéo vali đi, mình sẽ chột dạ không biết có thay đổi gì không. Mình cũng có nhiều lần như vậy, mình lại còn tưởng xe bị gì phải đổi chuyến nữa cơ. Nhưng thực tế ra là không, nó vẫn chạy đúng lộ trình, chỉ cần xem kỹ các ký hiệu thôi. 

Một lần nữa, cho yên tâm, tàu đi được một đoạn thì mình chỉ tay lên phía trên cánh cửa tự động đóng mở, các điểm tới sẽ được chạy và làm nổi chữ với ký hiệu và thời gian. “Hai ông bà sẽ tới Sân Bay tầm 30 phút nữa lận, ông nhìn kìa.” Ông nhỏ nhẹ cảm ơn mình. 

Ngày làm việc hôm đó của mình không thực sự hiệu quả và như ý muốn lắm, nhưng tự dưng nhớ lại cái khoảnh khắc đó, có một niềm hân hoan lạ thường. 

Nghĩ lại, trong tất cả những chuyến đi xuất ngoại, mình luôn luôn có những người chỉ đường bâng quơ như vậy mọi người ạ. Có khi một người lạ tình cờ nói chuyện trên máy bay và khi tới nơi, họ ngỏ ý muốn chở mình về tận nhà trọ. Có khi trong lúc mình đã lỡ chuyến bay nối giữa LA và San Fran, một người lạ xuất hiện và cho mình mượn điện thoại gọi cho đám bạn cũng đang hốt hoảng không biết mình lạc trôi đâu rồi. Còn nhiều lần nữa, không có lần nào không có một cánh tay dang ra. 

Kể với bạn thì bạn mình còn bảo “Mày biết mày là người duy nhất trong cái nhà trọ này được đón và chở về tận nhà không?”. Mình nghĩ có khi mình hên, cũng có khi chúng ta cứ chia nhau cái sự “chỉ đường” một cách vô thức rồi nó trở lại, một cách kì diệu mà mình không hay chăng? Bởi có đôi khi một câu hỏi, một cái nhắc, hay một cái chỉ tay của mình có thể giúp không chỉ ai đó rõ ràng yên tâm hơn mà cũng giúp bản thân người kia sống những phút giây ý nghĩa hơn sao? 

03.09.2022

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

DMCA.com Protection Status