Minh Ngoc's Journey

A Life Traveller – A Storyteller – A Writer

EMPATHY – Năng Lực Thấu Cảm

empathy-thau-cam

Bạn có năng lực thấu cảm?

Empathy-thấu-cảm

Sẽ là nói dối nếu bạn trả lời là KHÔNG bởi ai trong chúng ta cũng có cảm xúc.

Ta xem một bộ phim buồn, lòng ta cũng buồn rượi rượi. Hay khi ta nhìn đám trẻ con chơi đùa và nghe chúng cười nắc nẻ, lòng ta sao mà vui thế.

Ta dự định đọc một vài trang sách, nhưng bỗng chốc ta đóng sách lại thì đã đi hơn nửa quyển. Lôi cuốn quá. Sao kì bí và hấp dẫn thế.

Ta nghe chuông điện thoại reo, nhấc máy, đầu dây bên kia lặng thinh. Ta nghe tiếng thở, dồn dập. Tiếng nấc. Đoạn ngắn đoạn dài. Tiếng khóc của người gọi, từ đầu dây bên kia. Ta bối rối, không kìm được lòng mình. Ta cũng khóc …

Tất cả những điều trên, chỉ cần bạn đã trải qua một lần, chứng tỏ bạn có CẢM XÚC.

Vì vậy, câu hỏi đặt ra nên là “Bạn có sự thấu cảm đến đâu? Và bạn sử dụng năng lực này vào việc gì?”

THẤU CẢM là gì?

Thấu cảm rõ ràng là khả năng cảm nhận, là xúc cảm, là những hỷ nộ ái ố bạn có thể “thấy” trong lòng mình. Từ cảm, ta mới hiểu. Ta thông thường cảm và hiểu cho những cái gần gũi với mình nhất.

Vậy giờ lấy TA làm tâm, ta vẽ một vòng tròn. Tất cả những người trong vòng tròn đầu tiên thường là gia đình. Vòng tròn to hơn là bạn bè thân hữu. Cứ vẽ, cứ vẽ ta sẽ có nhiều vòng tròn thật to. Đối tượng nào nằm ờ vòng tròn càng gần tâm, khả năng ta cảm được họ sẽ dễ hơn. Đồng ý?

Vòng tròn
Vòng tròn TÂM của TA
Nói như vậy, người có khả năng thấu cảm tốt là người có năng lực cảm nhận và thấu hiểu ngay cả những đối tượng ở rất xa cái tâm của họ - những người xa lạ chăng? 

Năng lực này có thể sử dụng vào việc gì?

Trước khi nó là một năng lực để làm một việc gì đó to tát, nó chính là khả năng cảm thông mà ta có thể dành cho người thân, bạn bè đồng nghiệp hoặc cho chính bản thân mình.

Ví dụ nhé. Chính vì hình ảnh mẹ ngày ngày bận rộn bếp núc, đầu tắt mặt tối, lo cho ta bữa canh ngon ngọt; sự cảm thông làm ta thương mẹ hơn. Từ cái thương đấy, nếu bữa ăn có khó nuốt, ta cũng không dùng dằng chê dở. Từ thương đấy, ta sẽ làm siêng về nhà sau mỗi giờ tan tầm, vì biết có người đang chờ ta về ăn bữa cơm chung.

Đó là khả năng cảm thông, thấu cảm cho những người gần gũi nhất. Và nếu ta có thể dành nó, hằng ngày, cho những người thân yêu xung quanh, ắt hẳn cuộc sống sẽ dễ thương hơn rất nhiều.

Tới đây, bạn thấy, để cảm thông cho ai đó, ta cần để tâm tới họ. Nghĩa là ta cần quan sát và hiểu một người nào đó có những công việc gì và họ đã trải qua những việc đó như thế nào. Ta có thể không hiểu cảm giác của họ đâu, bởi ta đâu phải người làm chuyện đó. Nhưng chí ít, ta biết, ta nhìn nhận những công đoạn họ đã trải qua. Và ta dễ dàng đặt mình vào vai trò của họ hơn.

Thấu Cảm Thấu Hiểu
Thấu Cảm đi từ Thấu Hiểu và Cảm Thông
Một khi bạn có khả năng "đặt mình vào vai trò" của một ai đó một cách tự nhiên và thường xuyên, đó là lúc bạn bắt đầu phát triển sự thấu cảm. Vì như vậy, ngay cả với những người không thân lắm, bạn vẫn có thể, bằng một cách nào đó, hiểu họ đã trải qua một sự việc như thế nào. Khi đó, câu chuyện giữa bạn và người đó sẽ ân tình và thật hơn. 

Có một sếp từng bảo mình rằng “Khi em đặt mình vào vai trò của khách hàng, em sẽ hiểu những lo lắng của họ. Và một khi em hiểu họ đang có những trở ngại gì, em mới thực sự là người giúp đỡ họ. Lúc này, em và họ đứng cùng chiến tuyến. Không ai đang đối mặt với ai cả. Làm được việc này không dễ. Nhưng nếu làm được, em đã có một mối quan hệ rất bền chặt.”

Lần đó, mình đang rất nóng giận. Mình giận vì bản kế hoạch mình đưa ra rất chi tiết và rất hợp lí, tại sao khách hàng giật ngang? Họ lại còn dè chừng và có nguy cơ “cao chạy xa bay”.

Hóa ra, mình chỉ lên kế hoạch từ góc nhìn của một người lên kế hoạch. Đúng là đúng, sai là sai, không có phân nửa. Mình tập trung vào công ty của họ. Mà mình quên bỏ yếu tố khách hàng là ai và thực chất cái họ cần là gì.

Lẽ dĩ nhiên, sau đợt đấy, mình chỉnh sửa lại bản kế hoạch, dưới góc nhìn của khách. Và chuyện diễn ra như anh sếp mình nói.

Như vậy, năng lực thấu cảm, một khi ta có thể luyện nó thuần thục, là một loại năng lực cực kì quyền lực. Người có năng lực này thường là những lãnh đạo cực kì giỏi. 

Nhưng nó cũng là con dao hai lưỡi bạn ạ. Mình sẽ chia sẻ về chủ đề này một hôm khác.

Năng lực này liên quan gì đến người viết?

Tất cả nội dung trên đời này muốn hay đều phải “chạm”. Vậy ta chạm cái gì? Chính là chạm vào cảm xúc của đối tượng mà ta nhắm tới.

Một bộ phim thiếu nhi không thể có cảm xúc chia ly của các cuộc tình nghìn kiếp. Bọn trẻ đâu có hiểu.

Hay một quyển sách về Xây dựng sự tư tin cho bạn trẻ Hướng Nội thì làm sao kích thích nhóm thủ lĩnh trẻ hướng ngoại xông xáo đây?

Một bài viết cũng vậy thôi. Bạn viết cho ai? Bạn có nhìn thấy họ khi từng dòng chữ được tuôn ra? Hay bạn nhìn thấy chính bản thân mình?

Cái "họ" này càng cụ thể, thì người viết càng rõ ràng mình đang "nói chuyện" với ai, qua con chữ của mình. 
Vì lẽ đó, có một hình dung cụ thể chân dung độc giả (Buyer/Reader Persona) của bạn là ai, là cực kì cần thiết.

Thú thật, trước đây mình có biết khái niệm này, nhưng mình nghĩ biết được nhóm khách hàng là đủ rồi. Cần gì đi sâu vào chi tiết.

Nhưng không, mình nghiệm ra rằng, một nhóm độc giả là sinh viên chẳng hạn, sẽ có sinh viên hướng nội hoặc hướng ngoại. Cũng sẽ có sinh viên thích đọc hoặc sinh viên thích xem hình. Cũng sẽ có sinh viên đang quan tâm chuyện thi cử hay lo lắng chuyện việc làm sau khi ra trường.

Vậy ruốt cuộc mình đang viết bài này cho sinh viên nào?

Và mình nhận ra, nếu mình có một chân dung cụ thể bạn sinh viên đó, chắc mình đã có thể tâm tình đúng người hơn. Mình sẽ nói chuyện với bạn vì mình biết bạn đang làm gì. Mình sẽ có giọng điệu phù hợp tính cách của bạn. Và quan trọng hơn thảy, buổi nói chuyện của mình sẽ giúp bạn gỡ rối điểm gì trong thời điểm này, của một cô sinh viên năm cuối, đang lo lắng về việc làm.

Chân Dung Độc Giả
Buyer hay Reader Persona – Chân Dung Độc Giả

Hóa ra muốn “viết cho đúng người” thì phải biết người đó là ai. Như kiểu muốn cưa được crush, bạn phải biết crush thích xem phim gì, đọc sách nào để có gặp hắn, ta còn biết nói cái gì.

Hóa ra, thấu cảm là trò chơi role-play, chủ động đặt mình vào vai trò của người khác. Để từ đó ta có sự hình dung rõ ràng nhất người đó là ai. Và khi đặt bút xuống, ta cảm nhận được sắc mặt người đó qua từng con chữ. Để ta biết rằng ta đang không độc thoại.

#MN

Be Genuine – Be Open – To Yourself – To Others

One thought on “EMPATHY – Năng Lực Thấu Cảm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

DMCA.com Protection Status