Minh Ngoc's Journey

A Life Traveller – A Storyteller – A Writer

Không giỏi Văn liệu có theo nghề Viết được không?

Nghề-Viết-Giỏi-Vắn
Lỡ đặt câu hỏi rồi, mình đặt tiếp luôn nhé: nghề Viết ở đây là nghề chi?

Nghề Viết là nghề cầm viết, miễn sao chữ nghĩa được tuôn ra trên trang giấy (hay bàn phím)

HAY Nghề Viết là phải thành văn hào, thi sĩ trong thiên hạ như Nguyễn Du với tác phẩm để đời Truyện Kiều … hay thức thời hơn là J.K Rowling với bộ Harry Potter lừng danh?

CÒN trường hợp người theo nghề Viết nhưng đi viết quảng cáo, như Slogan “Fingers Licking Good” (Vị Ngon Trên Từng Ngón Tay) của KFC thì sao? Nếu không vì Cô Vi thì Slogan này chắc sẽ tiếp tục được dùng sau 64 năm lưu hành toàn cầu. Một câu thôi đấy, 64 năm, toàn cầu.

HAY mình có được gọi Fujiko F. Fujio – tác giả của bộ DORAEMON nổi tiếng gắn liền với tuổi thơ của bao đứa trẻ, là người theo Nghiệp Viết không?

. . .

Ồ, vậy ruốt cuộc MỘT NGƯỜI, nếu CHỈ ĐƠN GIẢN là tạo nên một TÁC PHẨM nào đó mà có gắn với con chữ, dù trong bắt cứ hình hài nào, cũng được gọi là người theo NGHIỆP VIẾT mà ta. 
Vậy mình hỏi tiếp nha, nếu vậy thì quy định “giỏi văn” có còn thực sự liên quan tới viết lách không?

Hay là biết tưởng tượng, là có khả năng giao tiếp với ngôn từ và trí tưởng tượng của mình là được rồi?

. . .

Không biết với mấy bạn thì sao, nhưng với mình nghe chừng hợp lí hơn là đưa điều kiện giỏi Văn. Vì mình nghĩ chưa chắc cái ông tạo ra Slogan cho KFC hay bác Fujiko giỏi văn (bỏ qua cô J.K Rowling với Nguyễn Du nha vì hai người thuộc dạng … con nhà nòi rồi), nhưng mình dám chắc tất cả những người này đều thấy, nghe, thậm chí ngửi được luôn sự vật, âm thanh, ánh sáng của từng hoạt cảnh câu chuyện trong đầu của họ, trước khi họ đặt bút xuống kể lại cho chúng ta.

Nghĩa là nếu bạn đồng ý với mình, những cây bút thần sầu này trước hết là CÓ ÓC SÁNG TẠO. Mà theo mình biết, khả năng này có thể là thiên bẩm, có thể là do tìm tòi, học tập. Nhớ có lần mình nói “Không có ý tưởng nào là mới hoàn toàn 100%” không? Vậy thì cứ yên tâm nếu bạn không nghĩ ra được cái gì hết, quan trọng là bạn học hỏi, quan sát và kiến tạo dần một nhân vật, hình tượng hay MỘT THÔNG ĐIỆP làm kim chỉ nam cho tác phẩm của bạn.

Khi đã cho nhân vật một hình hài, cốt cách (với nhân vật câu chuyện, với tính cách thương hiệu) thì việc tiếp theo là ĐƯA Ý NGHĨ ĐÓ RA ÁNH SÁNG. Bạn cần truyền đạt những gì bạn tưởng tượng ra cho người khác hiểu. Hiểu đúng đã nhé. Bạn nghĩ tới con bò, thì phải viết con bò. Nó là bò trắng hay bò nâu, bò sữa hay con bê, nó kêu như thế nào, nó là giống đực hay giống cái. Thật chi tiết vào, như cái cách mà bạn sẽ phải làm bài tập trước khi kể chuyện cho mấy đứa nhóc ở nhà vậy đó. Bọn nó sẽ có ti tỉ câu hỏi, thậm chí là “Con bò này có cánh không mẹ?” thì bạn cũng phải trả lời được luôn.

Khi hình ảnh, âm thanh … (nói chung là phần thể thức) đã được đưa ra, thì tới đoạn cho TRÍ TƯỞNG TƯỢNG BAY XA rồi nè. Bạn thổi hồn vào nhân vật, thổi bằng sự sắp đặt của ngôn từ, bằng hiệu ứng âm thanh. Nhẹ nhẹ thì cỡ như “Vị Ngon Trên Từng Ngón Tay” và mấy miếng gà rán giòn rụm bên cạnh với ly Coca li ti từng giọt nước mát lạnh ngoài thành ly. Rõ ràng, bạn đâu có được cho ăn miếng gà nào đâu, sao nhìn cái ảnh, đọc cái dòng đó mà … tưởng tượng thôi là nghe vị giòn rụm trong từng thớ lưỡi: chấm một miếng tương cà và tương ớt, đưa miếng gà rán vào miệng, giòn giòn béo ngậy, thêm một hớp Coca mát lạnh. Ta nói, phê …

Đó, đó là một câu văn thôi, có thêm sự trợ giúp của hình ảnh, mà khiến bao nhiêu cái bao tử sục sôi. Một câu văn chễm chệ trên toàn cầu trong 64 năm. Người viết ra câu đó có được gọi là cây bút?!

Còn với thể loại hoạt cảnh như Doraemon, thì bạn thừa biết rồi, Nobita khù khờ ham chơi, hên hên lại gặp Doraemon tốt bụng đa năng. Đôi bạn phiêu lưu bao nhiêu chuyện vui buồn của những năm tháng trẻ thơ. Cái ngày mà Doraemon biến mất khỏi cuộc đời Nobita, bạn đọc đến đó bạn có buồn, có khóc không? Mình thì có. Vậy bác Fujiko có được gọi là người cầm viết?

Chung quy lại, với mình Văn là Đời (xem lại bài “Học Văn là Học Làm Người" của mình nhé), nên để học giỏi Văn … e là rất khó, vì không ai rành hết đường đi nước bước của cuộc đời này cả. Nhưng nếu mình nhìn ở hướng ngược lại, muốn theo nghiệp Viết, thì có thể làm được. Vì viết là một thể thức của giao tiếp, sẽ có người giao tiếp giỏi theo bản năng, có người cần trui rèn. Cái quan trọng là bạn có mài dũa lĩnh vực văn chương, sáng tác mà bạn muốn theo hay không. Để cuối cùng, bất kì một tác phẩm nào bạn viết ra đều đọng lại một thông điệp, một cảm xúc cho người đọc. 

Suy cho cùng, người viết giỏi chẳng phải là bậc thầy của cảm xúc hay sao?

One thought on “Không giỏi Văn liệu có theo nghề Viết được không?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

DMCA.com Protection Status