Minh Ngoc's Journey

A Life Traveller – A Storyteller – A Writer

Từ insight đến content

3-loai-y-tuong

Trong ba nhánh ý tưởng (giúp người đọc giải quyết một vấn đề, đạt được một mục đích và trả lời một câu hỏi của họ), có vẻ như mình thường viết trên vai trò là người cố vấn: cùng người đọc bóc tách vấn đề và trả lời từng lớp câu hỏi mà họ đưa ra. 

Khi đọc đề bài của chị Linh, mình đã nhận xét rằng “Có vẻ như một người viết nếu giúp người đọc giải quyết một vấn đề, người đọc sẽ dần dần nhận ra hướng đi và có một mục đích cụ thể. Và nếu người viết lại tiếp nối với những bài viết dẫn dắt người đọc đạt được mục đích thì mối quan hệ giữa người đọc và người viết chẳng phải đã đáng tin hơn. Một khi người đọc chịu đưa ra câu hỏi, nghĩa là họ đã có một niềm tin nhất định với người viết và việc học song hành cùng người viết để trả lời câu hỏi của họ sẽ diễn ra. Từ đó, ba cấp bậc ý tưởng hình thành tương xứng với mối quan hệ giữa tác giả và độc giả vậy.” 

Nhưng khi nhìn lại bản thân, có vẻ mình là người thích thử thách nên những thông tin thẳng thắn tuyệt đối thường không phải dạng thông tin mình cho là có giá trị lâu dài, vì nó chỉ gỡ rối ở một chỗ nào đó thôi. Ngoài ra, mình cũng có niềm tin cực mạnh mẽ rằng “Vấn đề của ai thì người đó hiểu rõ nhất. Nên thực chất cái họ cần, có lẽ là một tiếng nói bên ngoài khách quan hơn và khơi gợi để họ sáng tỏ hơn.” 

Coaching-Van-de-giai-quyet

Chính thói quen đó, hôm thứ bảy vừa rồi, khi tham gia chia sẻ về chủ đề “Làm digital marketing ở Châu Âu cần kỹ năng gì?”, mình đã đứng trên vai trò cố vấn, bóc tách từng lớp và đặt trọng tâm vào tư duy giải quyết câu hỏi này cho các bạn. 

Sẽ ra sao nếu bạn đóng vai Cố Vấn, nhưng Độc Giả cần câu trả lời ngay và luôn?

Dàn bài mình đã chia sẻ tập trung vào câu hỏi chủ đề “Làm digital marketing ở Châu Âu cần kỹ năng gì?”. Trong đó, mình tách câu hỏi ra thành từng cụm:

  1. Làm digital marketing là làm gì trước đã? Những kiến thức và kỹ năng của một digital marketer là gì? Vai trò của bạn là gì: full-stack hay chuyên gia? 
  2. Ở Châu Âu là như thế nào? Là bạn bay qua Châu Âu làm hay bạn ở Việt Nam làm cho công ty ở Châu Âu? Lựa chọn nào sẽ phù hợp với khả năng của bạn? 
  3. Những rào cản của chúng ta khi làm về lĩnh vực này ở Châu Âu là gì? Ngôn ngữ, văn hóa và am hiểu thị trường? Nếu không phải là người bản địa, mãi mãi không làm việc được hay sao? Hay có cách nào xóa bỏ bớt rào cản hay không? 
  4. Tự nhìn nhận lại bản thân và xem bạn đã có những gì để trả lời và thực hiện câu hỏi này 
Cố-vấn-digital-marketing-Châu-Âu

Một dàn ý chỉn chu và những slides trình chiếu gãy gọn được mình mong đợi sẽ có những đón nhận nào đấy của các em sinh viên. Tuy vậy, có vẻ như những gì các bạn mong muốn nghe không phải như vậy. Có vẻ những cái hấp dẫn các bạn hơn sẽ là tổng hợp các xu hướng marketing tại Châu Âu và danh sách các kỹ năng cần thiết. Một kiểu ý tưởng để giúp bạn giải quyết thắc mắc “bên đó có gì?”. Hoặc ít ra, có lẽ những gì các bạn muốn nghe là “Liệu đi học ở Châu Âu thì có làm việc được ở Châu Âu hay không?” so với câu hỏi chủ đề và một bức tranh tổng quan quá. Còn đây là dạng ý tưởng nhằm đạt được mục tiêu nào đó. Không nói cũng có thể đoán được rằng, chỉ sau vỏn vẹn 5-10 phút, gần như nửa số lượng các bạn sinh viên tham gia đã ngay lập tức rời nhóm. 

Insights độc giả sẽ giúp mình định hình nội dung như thế nào?

Vậy đấy, nếu như quay ngược thời gian để mình trả lời lại câu hỏi này dưới dạng một bài chia sẻ giúp các bạn đạt một mục tiêu cụ thể: cập nhật thị trường Châu Âu và những cách xin việc làm bên này, có lẽ buổi chia sẻ của mình đã níu chân được nhiều bạn hơn. Nếu vậy, bài chia sẻ của mình sẽ nên được diễn giải như sau: 

  1. Tổng quan thị trường marketing thế giới và Âu Châu một năm qua? Dự đoán các xu hướng cuối năm nay và năm 2022? 
  2. Xu hướng làm việc tại nhà gia tăng. Hay nhu cầu tuyển dụng lao động cởi mở cho lĩnh vực digital marketing trên thế giới. Ví dụ một số công ty tiêu biểu. 
  3. Tiềm năng cho các bạn trẻ mới ra trường hoặc sinh viên ngành digital marketing tại Việt Nam? Với xu hướng mới thì sao? 
  4. Những kiến thức và kỹ năng chắc chắn cần phải có để hội nhập và đón đầu xu thế. 
  5. Vân vân và mây mây các công thức, danh sách và một kết luận “Thời tới rồi các em ơi” 

Nói như vậy để thấy, một chủ đề sẽ rất phụ thuộc vào kiến thức, nhu cầu và tâm thế của người được chia sẻ với chủ đề đó. Việc của mình, là một người trao đi kiến thức, phải hiểu tại thời điểm đó những mong cầu thực sự của đối tượng độc giả là gì và họ thực sự cần ý tưởng gì. Lúc này, thông tin không cần biết có đúng hay sai hay không, cái quan trọng là tính phù hợp của nó với mong đợi của người tham gia đọc/nghe. Xác định được từ đầu hành vi và chân dung khách hàng (độc giả) để nói những gì cần nói, đúng và đủ là cần thiết nhất. 

thông-tin-phù-hợp

Tuy vậy, có một điều thú vị rằng, một nửa các bạn còn lại ngồi nghe và trao đổi đặt câu hỏi thêm với mình ở những phút sau cùng lại là những bạn mình chắc chắn đem về cho bản thân những “key takeaway” (bài học chủ chốt). Các bạn hỏi rất nhiều từ việc “Làm sao biết thế mạnh của mình là gì?” cho đến “Em đã có dự định như vầy, và em hiện tại như vầy, thì dự định của em có hợp lí không?”. Các bạn này thật ra chính là những chân dung mình nghĩ tới khi chuẩn bị thông tin chia sẻ. 

Đọng lại trong mình sau buổi hôm đấy là Một chủ đề sẽ có nhiều cách chia sẻ diễn giải khác nhau. Nếu bạn chọn số lượng, bạn cần tập trung vào chính xác phần đông khán giả và cách tiếp nhận thông tin của họ. Nhưng nếu bạn chọn sự sâu và chất lượng chủ đề, bạn có lẽ cần chấp nhận việc mất đi phần đông đối tượng ngoài kia. Bù lại, cuộc trao đổi giữa bạn và những độc giả thực sự quan tâm đó sẽ có những giá trị chung mà cả hai đang nhắm đến.

Bạn có thể tham khảo thêm “Cách vẽ chân dung khách hàng từ sự thấu cảm” ở đây.

Một bài viết liên quan đến “Du học tiết kiệm tại Bắc Âu” do mình chia sẻ tại đây.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

DMCA.com Protection Status