Minh Ngoc's Journey

A Life Traveller – A Storyteller – A Writer

Khi Điểm Mạnh cũng là Điểm Yếu

diem-manh

Thú thật với bạn, khi đọc câu hỏi chủ đề “Điểm MẠNH của bạn là gì?”, mình như đi một chuyến tàu cao tốc do mình tự lái. Bởi tất cả những điểm mạnh mà mình có cũng chính là điểm yếu của bản thân. 

điểm-mạnh-điểm-yếu

Chung quy lại, con người mình là hiện thân của nhiều sự đối lập, pha chút gì đó “quá đà”. Màu sắc mình vẽ ra có lúc cực sáng, cũng có khi tối òm. Vốn hiểu bản chất đó, mình thường xuyên có những cuộc “điều tra và phán xét” bản thân để bánh xe cuộc đời và tâm tính ít đi trật đường ray nhất. Ừ, mình sẽ kể bạn nghe tại sao mạnh mà lại yếu nhé. 

THẬT 

Thật trong sự thật thà. Mình xem việc có gì nói đó là châm ngôn của cuộc sống. Chính vì lẽ đó, sự việc, sự vật mình kể thường là những trải nghiệm thực tế của bản thân. Nó ít khi nào được mình “sugarcoat” làm màu với một dụng ý gì cả. Mình tự thấy sự thật luôn luôn phải được tôn trọng trong bất kì hoàn cảnh nào, với ai đi nữa. 

Nhưng bạn biết sao không? “Thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng” . Không phải ai cũng muốn và có thể chấp nhận sự thật. Không phải lúc nào nói thật tuốt tuồn tuột cũng là điều hay. Đặc biệt, trong môi trường công sở hoặc lối sống Tây Âu, việc khéo léo và ngọt ngào trong giao tiếp lại được ưu ái hơn, thật thà ít có cơ hội được lộ diện. Nếu có, nó được người đời thay bằng chữ thô. (Hoặc mình chưa đạt tới đẳng thật mà không thô chăng?)

Cố gắng dung hòa cường độ “thật thô”, nhưng có lẽ việc đấu tranh cho lẽ phải và sự thật quan trọng với mình hơn thảy nên mình chấp nhận chất hơn lượng trong mối quan hệ, trong công việc và ngay cả trong lời nói. Mình chỉ nói khi cần. Thậm chí, khi được xin lời khuyên, mình sẽ hỏi “Vậy em muốn nghe lời khuyên phiên bản chân thật? Hay em muốn nghe lời khuyên phiên bản dễ nghe êm ái?” 

TÍCH CỰC

Mình may mắn có một gia đình và tuổi thơ êm đềm với những bộ phim hoạt hình truyền năng lượng khá tốt. Tinh thần tích cực đó ngấm vào người mình từ lúc nào không biết. Nên việc “hôm nay làm không được, mai thử làm lại chắc sẽ được thôi” là tinh thần thường trực. Mình luôn nhìn lên phía trước, tiếp tục bước đi vì mình tin chắc ngày mai sẽ tươi sáng hơn. Nếu chưa thấy sáng là chưa tới đích … là tinh thần mình luôn hướng tới. Vì lẽ đó, không khó để thấy mình cười. 

Nhưng, tất nhiên giữa bao nhiêu tiêu cực của cuộc sống hoặc giữa lúc tinh thần một người nào đó đang xuống, và việc mình luôn tươi vui hớn hở, nó lại thành “vô duyên”. Mình còn nhớ cấp 3, cậu bạn cùng bàn nói thế này “Bà có một nụ cười rất đẹp. Nhưng không phải lúc nào cũng nên cười. Đôi lúc nó đau lòng lắm.”  Mình rất dở khi nhìn thấy người khác buồn và mình thực sự không biết làm gì khi một người đang tiêu cực. Nhưng mình hiểu những gì người bạn đó nhận xét vì mình đã trải qua. Có lẽ vậy mình đã bớt cười hơn một tẹo những lúc không cần thiết. 

Ngoài ra, với bản chất tích cực nên mình lạc quan lắm. Mà bạn biết rồi, càng lạc quan nhiều thì sẽ càng hy vọng nhiều. Nếu cái hy vọng đấy không thành, thì ta khác nào tự giăng bẫy mời mình trượt dài trên cái đà bi quan. Mình đã tự cài bẫy cho bản thân nhiều lần. Và cũng tự có bài học để tỉnh táo và công bằng với bản thân khi đánh giá một sự việc nào đấy. 

TÒ MÒ 

Chuyện sẽ không có gì nếu mình không là một đứa tò mò. Mình là quý cô Thích Đủ Thứ và là hiện thân của Pinocchio với câu “Sao vậy?”. 

Bạn còn nhớ không? ì Pinocchio là chú bé người gỗ, cậu đâu có thế giới quan phát triển từ từ như con người mới sinh. Cái ngày cậu được bà tiên ban cho sự sống, mọi thứ thật mới mẻ. Đêm hôm đấy, cứ sau một câu bố cậu nói, thì ta lại nghe “Sao Vậy?”. 

Mình …  y chang. Con bé Ngọc 6 tuổi hỏi ba “Sao vậy?” ngay sau khi nó xem Pinocchio. Và cho tới bây giờ thì mình luôn tự hỏi mình câu hỏi tại sao. 

Không chỉ hỏi đâu, mình còn thử nữa. Vì chỉ có mình tự trải nghiệm thì nó mới thật, chứ câu trả lời không thôi chưa đủ. ghe cô Quỳnh Hương chưa nhỉ, mình ấn tượng một đoạn như này “Các bạn là kiểu người khi người ta nói phía trước có vũng nước, bạn né ra đi. Thì bạn nhất định sẽ nhảy vô cái vũng nước đó, coi nó như thế nào mà người ta bắt né.” Đó, mình đó! 

Nên tò mò dễ đẩy sang ham học hỏi mặc dù là một điểm chói sáng. Nhưng cũng vì hay tò mò nên hay thử, lại là một điểm có thể làm chậm quá trình phát triển. Thậm chí, có những nỗi tò mò có thể gây tới hiểm nguy cho chính mình (kiểu Curiosity kills the cat – Sự tò mò giết chết con mèo). 

Có bạn nào nhận ra không, từ lúc mình tham gia group viết, sau một số bài viết, mình tò mò xem bản thân có thể viết nhanh hơn không? Tò mò xem phong cách viết khác thì như thế nào? Tò mò xem phong cách thiết kế ảnh khác thì sẽ nhận được phản hồi ra làm sao? Mình liên tục đặt câu hỏi và thử. 

Có lúc mình bất ngờ trong vui sướng khi “ồ, viết nhanh hơn mà có nhiều bạn hưởng ứng quá nè”. Có lúc mình xụi lơ vì “ơ, bài này viết chu đáo lắm mà sao kì quá, chắc phong cách lạ và thiết kế … không hợp gu mấy bạn rồi.”

CẢM – LIÊN TƯỞNG – KẾT NỐI 

Có lẽ công lao lớn nhất là ba mình. Ông vốn sợ con gái thua thiệt và không biết gì nên đã kịp đẩy cho mình tham gia nhiều lĩnh vực khác nhau. Mặc dù mình không xuất chúng trong bất kỳ lĩnh vực nào, nhưng mình hiểu khả năng cảm thụ của mình là có. Với âm nhạc, hình ảnh, ngôn từ cho đến vị giác … nên mình khá nhạy. Với công việc đầu tiên liên quan một chút tới tâm lý, mình lại càng có cơ hội gọt dũa khả năng này. 

Mà khi mình đã tôn thờ sự thật và tò mò khám phá thì mình lại hay liên tưởng. Mình thích “connect the dots” xâu chuỗi sự vật sự việc với nhau. Có lúc xâu thì ra chuỗi ngọc, nhưng có lúc xâu lại râu ông này cắm cằm bà kia. Thành ra có lúc cảm tưởng như đã với tay tới một đỉnh cao sáng tạo, có khi lại là một sự sắp xếp ảo tưởng của bản thân. 

Còn cái này nữa, khi thoải mái kết nối liên tưởng đủ thứ, mình không tự bảo vệ được quan điểm của chính mình. Vì nếu nhìn sự vật hiện tượng theo một chiều thẳng cũng đúng, thì sự tò mò lại hỏi “vậy nhìn theo góc khác thì sao?”. Và khi nhìn ở góc khác, mình cũng thấy … có lý. Thành ra, hay thì có nhưng sẽ có khi thành … ba phải. 

Có những khi chủ đề chị Linh đưa ra, mình có quá nhiều khía cạnh để bàn bạc và viết. Và thường mình phải nghĩ xem nên chọn hướng nào, vì viết hết thì không kịp. 

Có lẽ vậy nên cái mình cần học nhất là sự “vừa đủ” và cân bằng giữa mọi thứ.

Mặc dù còn mấy thứ nữa cơ nhưng mình phải gác lại thôi. Bạn nào còn nhận thấy điều gì nữa từ mình, bạn cho mình “xin chữ” của bạn với nhé. 

Chào thân ái từ một tổng hợp của những đối lập và thái quá.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

DMCA.com Protection Status