Minh Ngoc's Journey

A Life Traveller – A Storyteller – A Writer

Giờ Giấc cho Newbie

gio-giac-freelancer

Bức ảnh thấy quen không mấy bạn mình ơi? Hồi đó lúc còn đi làm cho công ty, sếp mình còn ra lệnh cho mình và chị đồng nghiệp bên cạnh phải có mặt trễ nhất là 9 giờ 30. Hồi đó, công ty nào mình làm cũng thuộc diện agency, lại là công ty liên quan tới marketing nữa, nên mặc dù quy định làm từ 9h-6h nhưng có ai có mặt sớm cái giờ dữ dội vậy đâu. 

Gặp một đứa có thâm niên đi học trễ từ mẫu giáo tới đại học, nên sau một tuần đi làm ở agency, mình thấy cuộc đời như nở hoa. Có nhiều bận, 9h mình còn ngồi nhà vắt chanh ăn cho xong tô bún bò vì công ty cách nhà đúng 15 phút. Thời đó, mặc dù ngày nào cũng chăm chỉ cày bừa, lâu lâu mẹ mình và hàng xóm cứ thắc mắc “Không biết con này có đi làm thiệt không chứ công ty nào mà bắt đầu làm từ 10h?” 

Nhưng nói gì thì nói, đã đi  làm cho công ty, chắc chắn bạn phải có giới hạn giờ giấc chứ không thể đi ra đi vào như chợ được. Thời đó đã qua rồi, bây giờ là thời freelancer, ăn sáng mấy giờ là chuyện của mình, không phải hớt hải xì xụp tô bún bò để kịp vào công ty trước sếp. Ừ, mình cũng nghĩ vậy đó lúc mới vào nghiệp freelancer! 

Điều đó không sai … NHƯNG nó không tốt chút nào. Nếu như Kim Phượng cảm giác kì kì khi giờ người ta đi làm, mình đi siêu thị; thì mình lại có trải nghiệm hơi khác chút. Một phần vì trước khi làm freelancer, mình đã lê la cặp xách đi khắp các thư viện quán cafe để ngồi làm luận án. Có lẽ kinh nghiệm này phần nào đã giúp ích cho mình hơn trong giai đoạn tập tễnh vào nghiệp freelance. 

1. Người ta xách cặp đi làm, FREELANCER nằm làm cho thoải mái? 

Bình thường khi nói tới nghề tự do, tụi mình hay nghĩ là ngồi ở nhà làm đúng không? Lúc mình làm luận án cũng vậy, thời gian đầu mình toàn làm việc ở nhà. Nhưng với bản tính ngủ trễ dậy trễ, thêm một chút ham chơi, cứ 5-10 phút lại đi ra mở tủ lạnh pha cafe; một ngày của mình chắc còn được 2 tiếng làm việc hiệu quả. 

Để chấn chỉnh bản thân, mình đã tự nắn vào khuôn khổ của một người đi làm văn phòng. Nghĩa là, sáng sáng, mình chắc chắn phải rời khỏi nhà tầm 9h, đi đến một không gian làm việc lý tưởng và ngồi vào làm. Nơi mình thường chọn là thư viện, vì ở đây wifi mạnh, yên tĩnh, ít bị cám dỗ bởi thức ăn cafe. Tuy nhiên, tùy vào loại hình công việc ngày hôm đó, nếu không cần quá nhiều sự tập trung, mình vẫn có thể ra quán cafe hay một khu co-working space để làm việc.

Văn hóa Startup ở đây cũng khá phổ biến. Rất dễ để bạn tìm các khu ươm mầm startup hay các khu vực sinh viên làm việc miễn phí. Có lẽ vậy mà chọn một chỗ ngồi, có wifi và làm việc với yêu cầu tập trung vừa đủ không khó. 

Chốt lại, khi mới bắt đầu freelance hay đang trong giai đoạn cần tập trung, mình luôn ép bản thân tham gia vào một không gian nghiêm trang đủ để bỏ bớt tính chây lười. Một khi đã có thói quen làm việc hiệu quả, những thứ khác sẽ dễ dàng quản lý hơn. 

2. FREELANCERS là phải đi ăn một mình? 

Sẽ không có cảnh đó xảy ra nếu bạn có một nơi chốn làm việc bên ngoài và có một cộng đồng hoặc ít nhất có một buddy. Lúc mình làm luận án, ngày ngày lên thư viện thì cũng có một số bạn giống mình. Lâu dần đụng mặt nhau thành quen, và mình có một vài người để đi ăn hay đi uống cafe chung. 

Với freelancer cũng vậy, bản chất công việc là làm một mình. Nhưng điều đó không ngăn cản bạn kết giao các freelancer khác, đặc biệt trong khu vực bạn sinh sống, hay trong lĩnh vực bạn đang làm việc. Cái lợi đầu tiên là bạn sẽ không thấy mình cô độc. Ít nhất nếu hai người có giờ giấc sinh hoạt làm việc giống nhau, bạn sẽ có một “đồng nghiệp”, một người để trao đổi chia sẻ và thậm chí làm chung. Như chị Linh có chia sẻ hôm nọ, khi bắt đầu, nếu hai freelancer có thể song kiếm hợp bích, chặng đường của mình sẽ bớt gian gian. 

Ví dụ: Nếu bạn là người viết, bạn có thể kết giao với chuyên gia chạy quảng c.áo hoặc thiết kế. Hoặc kết giao với một cây viết khác cũng không phải là ý tưởng tồi. Bản chất của việc này là có đồng nghiệp để san sẻ một biển kinh nghiệm freelancer. Và quan trọng là giúp bạn hình thành thói quen quản lý công việc của một người làm việc tự do. 

3. Người ta có YEAR-END PARTY, FREELANCERS cày ngày cày đêm không nghỉ hoặc party với ai đây? 

Đây chính xác là lý do bạn cần tham gia một cộng đồng freelancer trong lĩnh vực hoặc khu vực của mình. Các buổi offline hoặc chia sẻ lại hoạt động một năm qua của nhóm sẽ phần nào khiến bạn có cảm giác “belonging/thuộc về” hơn là thui thủi nhìn người ăn liên hoan. 

Nếu bạn có một vài người bạn freelance thì lại càng tốt. Mạnh dạn hẹn hò tự tổ chức một buổi year-end cho bản thân và cùng nhìn lại một năm cày bừa của mình như thế nào. Nó vừa là một lời nhắc để bạn có dịp tạm ngưng vòng quay công việc, vừa là cách để bạn kết nối với những mối quan hệ thân hữu trong cuộc sống freelance. Và tất nhiên là còn dành chỗ cho bạn đánh giá bản thân mình nữa chứ. 

Nói với bạn nghe, mình từng có một người bạn, ngay cả lúc đi làm cho công ty, bạn cũng mạnh dạn xin off hẳn 2 tuần cuối năm để suy nghĩ và lên kế hoạch cho năm tiếp theo. Như vậy để thấy, việc đánh giá và tái định hướng luôn luôn là một việc phải làm. Đặc biệt với một freelancer khi bạn là người chịu trách nhiệm tự training cho bản thân. Bạn cần biết sắp tới nên học bổ sung thêm kỹ năng kiến thức gì đúng không? 

Làm Freelancer, giờ giấc là do bạn quyết định. Mà phàm cái gì một mình rất dễ bị cám dỗ. Vậy nên tiêu pha nó như thế nào cho hiệu quả và vui vẻ cũng cần suy nghĩ. Với mình, tự rèn bản thân vào một quy định và kiếm bạn đồng môn đã giúp mình cảm thấy bớt trơ trọi hơn rất nhiều. Hy vọng bài viết hữu ích cho các newbie nha. 

P.S: Đang lang thang chọn chủ đề viết lại lụm được cái ảnh tâm đắc quá. Mình cười hết một tràng mới định thần lại viết bài này đấy.

Bạn có thể xem thêm bài viết liên quan như 1001 cái ủa của Freelancer. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

DMCA.com Protection Status