Minh Ngoc's Journey

A Life Traveller – A Storyteller – A Writer

Có cách nào để NỔI nếu mình hơi … NHẠT không?

nhạt

Chữ Nhạt này hôm qua va vào mình hơi bị nhiều và nó làm mình nhớ lại nhiều lần bạn bè có nói mình (trong lúc chúng nó xỉn) “Nói chuyện với mày chán muốn chết. Nó cứ nhạt nhạt sao á”.

Hồi đó, mình xem mấy câu nhận xét đó là tiêu cực lắm. Nghe xong bản thân cứ thấy buồn buồn, sao mình chán phèo nhạt nhẽo mà nó chơi với mình, lại còn chơi thân với mình nữa. Kỳ cục dễ sợ. 

Nhưng hôm qua, vô tình hay hữu ý, mình phần nào gỡ được nút thắt của chữ Nhạt này bạn ạ. 

1. Bạn có thể ăn Lạt nhưng đừng viết (sống) nhạt 

Bài chia sẻ của chị Ánh về góc nhìn của chữ nhạt, đúc kết bài học của chị sau khi làm mentor một vài bạn. 

Chữ “Nhạt” trong “Tắt nắng đi cho màu đừng nhạt mất” của Xuân Diệu phần nào gợi hình cho ta hiểu: nhạt là một trạng thái không mấy đậm đà bằng phiên bản gốc. Nhạt cũng có thể ám chỉ một cái gì đó mơ hồ, mông lung như kiểu “Em phải viết lại ngay, để lâu nó nhạt mất”. Trong giới research của mình, đây chính xác là lý do khi một ai đó vừa thực hiện công việc bạn muốn họ trải nghiệm, bạn nên hỏi lại ngay cảm xúc của họ. Đẹp nhất là trong vòng 2 tiếng, bởi càng để lâu, ấn tượng ban đầu sẽ phai dần, những cái bạn nhớ sẽ bị xen ngang tiềm thức, lý trí và rất nhiều “noise” tạp âm trí nhớ khác trước đây. Một chữ thôi: nhạt! 

Nhưng “Nhạt” cũng không phải xấu nếu bạn ăn nhạt một chút. Đó là lúc bạn bỏ bớt thói quen ăn uống quá đậm vị, bớt muối hay mắm, bớt đường, bớt ớt … Đó là lúc bạn quan tâm tới sức khỏe của mình đủ. Và đó là lúc bạn dần cho phép các vị gốc của từng thành phần trong món ăn được “tỏa hương và vị” rõ ràng hơn. 

Nên trong cái Nhạt của việc ăn uống, nếu đã tập được ăn nhạt bớt, cái tinh túy của vị giác ẩn đằng sau các thức ăn sẽ được bạn khơi sắc là vậy. 

Nhưng là một cây viết, không nên viết nhạt. Chị Ánh có một bài phân tích rất hay về viết nhạt là viết thế nào. Chung quy lại, viết nhạt là hời hợt với ý tứ, cẩu thả với chính tả, và không trung thực với thông tin mình đưa ra. Một cây viết nhạt cũng ẩn chứa hình ảnh một cuộc đời hơi … nhạt. Sống không có màu sắc rõ ràng cho lắm. Sống nhạt! 

Bài viết về Nhạt mà không nhạt của chị Nguyên Ánh trong Blog Viết Sáng Tạo. 

2. Nhưng nếu bản tính Nhàn nhạt, nhất là người hướng nội, thì có … nổi được giữa một rừng highlight không? 

Bài báo hôm qua về Lúp Phương – một người sáng tạo nội dung hướng nội đã cho mình câu trả lời. Lúp Phương chuyên sáng tạo nội dung như phim ảnh animation, bạn có chừng 180k người theo dõi qua các kênh mạng xã hội từ Facebook, Instagram cho tới Youtube. Tuy vậy, trong giới sáng tạo, Lúp Phương được gọi là một nhà sáng tạo nội dung “nhạt lành mạnh.” 

Với Phương “Nhạt cũng là một màu sắc vậy. Khi thị trường có quá nhiều gam màu nổi, thì cái nhạt sẽ giúp trung hòa các gam màu đó.” Đơn giản, với Phương, cứ là chính mình thôi và đăng tải những nội dung chân thật là được. Bạn cho hay, với bản tính hướng nội và có phần khó tính, bạn lựa chọn và mất rất nhiều thời gian cho từng kênh truyền thông của mình. Ví như Youtube một năm bạn đăng lèo tèo vài thước phim thôi, nhưng nó phải chất, phải thực giống bạn. Tương tự, Instagram cũng vậy. Bạn đăng hình ảnh khác với Youtube, và nó cũng là những nội dung phù hợp với kênh này. Và chắc chắn là nó “đại diện” cho một Lúp Phương nhạt lành mạnh. 

Ơ hay, vậy là mình có nét “nhạt” giống bạn này thì phải. Nhưng mình nhạt theo cách của mình. Mình không nổi bật giữa các cuộc party hay đám đông, những cái người khác thích hoặc quan tâm, không có nhiều điểm chung với mình. Mình kệ, mình cứ sống theo cách mình thoải mái và chân thật với bọn bạn mình quan tâm. Nhạt cũng được, nhưng nổi bật và sáng dài lâu với người mình cần thôi nhỉ. 

Bài viết phỏng vấn Nhạt theo cách của Lúp Phương đăng trên tạp chí Advertising Việt Nam. 

3. Lỡ rồi, nhạt cho tới, Cho đúng chất Luôn Đi 

Cũng là ngày hôm qua, bạn mình bật lên một đoạn phim trong FRIENDS (một series phim nổi tiếng của Mỹ). Bạn nào chưa xem nên xem nhé, rất đời, rất thật, rất giải trí. À, tập đấy có  một đoạn nói về Chandler, anh bạn này không giống nhóm bạn của mình. Anh ấy lớn lên với một hoàn cảnh gia đình khá kì quái (bố mẹ anh ly hôn vào đúng lễ Tạ Ơn vì ông bố quyết định đi chuyển giới, sống đúng bản chất của mình). Chandler không biết mình có mơ ước gì và muốn làm công việc gì. Anh ra trường rồi làm một nhân viên xử lý dữ liệu cho xong. 

Một ngày nọ, anh tự nhiên được lên chức và lên lương. Anh tức. Anh nghỉ. Lý do Chandler nói với lũ bạn là “Không chấp nhận được. Tao làm cái này tạm thời thôi. Tao chưa biết mình mơ ước làm cái gì, không giống tụi bây. Tự nhiên cho lên chức. Bực bội dễ sợ. Phải nghỉ thôi. Phải đi tìm ước mơ.” 

Chandler nghĩ là anh đã sống những tháng ngày nhạt nhòa trong công việc, cho qua ngày đoạn tháng. Nhưng với mình, trong cái nhạt đó, anh đã làm việc chăm chỉ, tận tâm, làm hết sức … nên giữa muôn vàn con người ngồi chung, công ty chọn anh để tăng lương. Họ thậm chí, sau khi anh nghỉ, gọi điện về nhiều lần, x2 x5 mức lương mới và cho anh một phòng làm việc riêng, với view nhìn ra New York chọc trời. 

Mà bạn biết sao không, Chandler là người có thu nhập cao nhất trong đám bạn của ổng đó. Ổng đâu có quan tâm nhiều, ổng nghĩ ổng nhạt, nhưng ổng làm cái gì cũng rất “ổng”, rất chất theo cách của Chandler. Chắc chắn các bạn nào thích meme đã từng biết qua hình ảnh anh chàng này. Còn chưa biết, kiếm hắn để có động lực … nhạt theo cách của mình ha. 

Một bài viết vội vì mình sợ nếu mình không ghi lại, mình sẽ quên mất mấy cuộc va vào với “nhạt”. Nhưng viết xong, thì mình yên tâm hẳn, nếu mình có nhạt, mình cứ nhạt theo cách của bản thân. Chắc lúc đó, những người quen ăn uống đậm vị không khoái, nhưng nhóm ăn nhạt … có khi lại tìm thấy mình chăng? 

09.12.2021

#MN trong chuỗi #personaldevelopment #chuyệnfreelancer 

Bạn có thể tham khảo bài "Quyền chọn lựa" và bài "Sống với mình là" để biết tại sao mình cũng "tức ghê" bị nói là chán. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

DMCA.com Protection Status