Minh Ngoc's Journey

A Life Traveller – A Storyteller – A Writer

1001 cái ủa của FREELANCER

1001-chuyen-ua-freelancer

Bạn biết không, mình bước vào con đường freelancer giống như cách con người ta bước vào đường tình yêu vậy đó. Nó là cái kiểu thấy người khác đang tỏa cái thứ hào quang nhiệm màu của riêng họ khi họ đang iu. Với mình, hồi đó mình nhớ cái hào quan của các freelancer là những khi họ đang hừng hực hay thong dong ở một góc cafe chill chill nào đấy. Mình tưởng vậy đó, mình tưởng làm freelancer là phải tự do, thích làm như thế nào là quyền của mình. 

Cười to một tràng dài sảng khoái đi bạn, để mình kể tiếp mình bị úp sọt như thế nào bởi cái tư tưởng đó ha. 

À, bạn có thể đọc phần một "Có lẽ FREELANCER ... chọn mình" để hiểu background của mình ha. 

1. Làm freelancer là không phải nghĩ tới … chính trị công ty 

Có bao nhiêu bạn cảm thấy khổ sở với việc đối nhân xử thế, ngó trên nhìn xuống, liếc trái nghiêng phải và luôn sợ mình làm gì cũng bị để ý? Có ai cảm thấy “sao đi đâu cũng không hợp, không làm việc được với ai ăn rơ 100% hết vậy” ?

Đó đó, hồi xưa đi làm tập đoàn, từ đa quốc gia, tới quốc nội vân vân mây mây; mình không phải kiểu giỏi chơi game chính trị. Mình hướng nội một cây. Sếp giao việc, mình làm, cặm cụi làm đến khi mình hài lòng thì thôi. Hài lòng là sẽ không sai cái cũ, tự giác kiến nghị cái mới … vậy đó. Còn nhớ hồi đó, ít người biết mình lắm, tại mình không giỏi đi ngoại giao. Có một hai đồng nghiệp thân hợp cạ là chơi tới giờ luôn, còn lại thì cũng biết vậy thôi. 

Nhưng mình biết, đâu phải bạn ngồi im là không có chuyện? Tai bay vạ gió, ai không thích mình thì họ vẫn không ưa mình thôi, phải không? 

Nên là từ lúc bước chân vào Freelancer, điều đầu tiên mình thích nhất là không phải ngó ngàng tới những kỹ xảo chiêu trò trong công ty, mình không giỏi cái này. Có ai đâu mà chính trị!  

ỦA NHƯNG mà … tại bạn làm một mình, bạn sẽ gặp cái khác. 

Nếu hồi xưa, sếp có ép làm proposal, làm báo cáo sớm để đi pitching, lỡ có chuyện gì thì sếp đứng ra đỡ đạn giùm. Bây giờ, chính trị công sở không có, nhưng bản thân bạn phải cất tiếng nói để khách hàng họ nghe mà chịu mở proposal của bạn ra coi. Nó không còn là chính trị trong công ty nữa, nó là một cuộc chơi giữa các freelancers khác và với cả khách hàng. 

Nếu hồi xưa, mình có làm sai, sếp rầy mấy câu, mình sửa. Bây giờ, nếu làm sai, khách hàng tử tế thì dăm ba câu ngọt lạt, khách hàng bá vơ sẽ có nhiều chiêu uy hiếp tinh thần của những chú thỏ vừa ra freelancers. Bạn sẽ cảm giác như kiểu con bé con bị một ông chú nào đó giựt kẹo rồi còn móc mỉa trước bầy sói hoang vậy đó. 

Nếu hồi xưa lo sợ đồng nghiệp nói xấu hay bị chơi chiêu, không biết phải đối mặt với mọi người như thế nào, thì giờ đây khách hàng có uy hiếp hoặc xấu tính, thì bạn không có sếp hay nhân sự để méc đâu. 

Cho nên là, bản chất ở đâu cũng vậy, kiểu nào bạn cũng phải biết bảo vệ bản thân. Có trốn tránh mãi không sớm thì muộn, bạn cũng cần phải học cách cất tiếng thôi. 

2. Bây giờ tự do rồi, tất cả những ý kiến trước đây của mình … lấy ra xài chứ? 

Đúng rồi, cái này lại càng đặc biệt hợp ý những con người làm thuê lâu năm với một bề dày kinh nghiệm nhưng chưa kịp leo lên chức Chủ Tịch công ty. Mình còn nhớ, một hai cái deal đầu tiên, mình áp dụng bài bản những gì được học và đã làm, tư vấn cặn kẽ và thậm chí cho không rất nhiều lời đáp ngay và luôn. Tối đó còn ngồi soạn kế hoạch chi tiết gửi khách hàng đầu tiên. 

Nhận lại  là một câu đẩy đưa, cái này phức tạp quá với chắc không làm liền đâu. Lúc họ đến với mình, họ bảo họ đang cần gấp lắm. Sau khi ngồi với mình, họ bảo họ thấy hết gấp rồi. 

Mình trước khi đến với họ, ôm một bụng hy vọng. Sau khi họ rời đi, mất trắng mấy tiếng meeting, kèm thêm một đêm suy nghĩ làm proposal – những cái mình ôm được từ gần chục năm đi  làm. Mất trắng! 

Ủa, sao mình tốt với người ta mà người ta không biết? 

Bây giờ thì hiểu nè, hiểu sao hồi đó mỗi lần nộp proposal, sếp bỏ lên đặt xuống để nó hợp với người ta. Chỉ còn hỏi “em ơi, cái này có vẻ sẽ tốn nhiêu đây ngày lận nè, em làm nổi không?”. Tự thấy hiểu sao hồi đó sếp cắt mấy ý kiến ý cò của mình, cũng bởi sếp biết có khi cái người ta cần … chưa tới mức đó đâu. Tự thấm, thay vì ngồi rị mọ 1-2 ngày, sếp ra đề luôn làm cho xong trong 2 tiếng, để hơi sức làm cái khác hay về nhà nghỉ sớm nha em. 

Bởi, tự do là tự lo thiệt đó. Tự do là bạn ôm một cục 24 tiếng một ngày, chứ không phải đưa 8 tiếng cho công ty. Nhưng chuyện bạn chia cái cục 24 tiếng như thế nào để không lãng phí sức, để vẫn có dự án làm. Ủa, mà bạn phải tính là 8 tiếng thôi nha, không phải 24 tiếng. Và cái đó nó kéo tới …

3. Bạn đáng giá bao nhiêu? 

Cái này quan trọng nè. Hồi đó, phỏng vấn xong xuôi, đi deal lương với nhân sự, mình biết bạn mình học cỡ đó, lương cỡ đó. Mình biết thị trường mức lương phải cỡ từ A tới Á, mình phải cỡ Ớ. Deal xong rồi, an tâm sáng sáng tối tối, có trễ deadline chút xíu, cuối tháng cũng không phải tay không húp mì tôm. 

Bây giờ, cầm một chiếc proposal tới gặp khách hàng, khách bảo “Cái này đơn giản mà. Tui không có thời gian thôi. Làm loáng cái xong. Ngân sách cỡ này, làm ổn đi mình đi lâu dài.” 

Vỗ ngực xưng tên, làm là phải chất lượng. Lần đầu làm việc chung, phải cố gắng hết sức. Tưởng đơn giản mà, hồi xưa loáng cái chừng 30 phút là xong. Bây giờ, lên ý tưởng, viết, thiết kế. Mỗi cái mất tầm 1 ngày, tại mình có thư viện hay có template gì sẵn đâu. Mình em với em. 

Ủa ủa, 3 ngày với bảng kiến nghị “đơn giản” tính ra mình lời được ly trà sữa. 

Một bận khác, rút kinh nghiệm sâu sắc, tự động nâng giá và tự tin “Lần này chấp luôn 3 ngày sẽ không lỗ”. Khách hỏi “Ủa bạn làm cho ai rồi? Bạn làm có được không đây? Freelancer phải công ty đâu mà sao hét ghê thế?” 

Tiu nghỉu, sao game này khó quá. Hồi xưa sao mấy anh chị Nhân Sự có bậc lương hết hay ghê. Còn giờ mình biết mình là hàng chất lượng, nhưng làm sao để người ta biết đây? 

(… còn tiếp. Hôm nay mình định gãy gọn thôi. Nhưng đúng là với mình, có nhiều cái mới mẻ lắm khi mới bước chân vô nghề lắm, định bụng chấm phá vài nét rồi đưa cách mình giải quyết. Nhưng có vẻ chưa đủ thấm đâu. Vì thật, hồi xưa mình cũng biết freelancer là một mình làm việc. Chấm hết. Không có biết mấy khúc lắc léo này đâu. Nên mai ngồi chia sẻ tiếp). 

Bài hôm nay mang hơi hướng tự sự và hơi kể lể. Tuy vậy, bạn tưởng tượng những cái ở trên là mình mới chọn ra một vài trường hợp tiêu biểu. Thực sự khi mới bắt đầu, mỗi một phút, một giờ là mình lại có game mới để chơi. Vừa qua ải nhảy lửa, thì tới ải cá sấu leo lên bờ. Nó muôn màu muôn sắc, tưởng chừng không hồi kết. 

Nhưng may mắn trong những lúc đó, mình nhớ một câu thầy mình từng nói khi mình thấy sợ 

“It’s not another concern. It’s something that you have to WORK ON // Đó không nên gọi là một cái lo lo. Đó chính xác là cái em cần tập trung và XỬ LÝ nó.”

One thought on “1001 cái ủa của FREELANCER

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

DMCA.com Protection Status