Minh Ngoc's Journey

A Life Traveller – A Storyteller – A Writer

Làm branding một cách authentic là làm sao?

Authentic-Marketing-cho-Personal-Branding

Giai đoạn Black Friday mình đã viết một mạch về Authentic Marketing nhưng chưa có một ví dụ nào mình tâm đắc hết. Nay, sau khi đã gom góp một số thứ, mình sẽ chia sẻ góc nhìn của mình về chữ Authentic này với mọi người nhé. 

1. Authentic là gì và Be authentic là làm sao? 

Khi nói tới chữ này, mình hay nghĩ tới Authentic Food. Nó như kiểu bạn bước vào nhà hàng Nhật, bạn sửa soạn gọi một thuyền sushi sashimi các kiểu và súp miso; cái bạn nghe đầu bếp í ới nhau bằng tiếng Trung. Bạn có còn nghĩ quán đó có authentic không? Mặc dù biển treo chữ Nhật, phong cách trang trí quán cũng rất Nhật với đệm ngồi, hoa anh đào, và các hình ảnh văn hóa Nhật. Thật sự nếu cái cách chào khách cũng “Hey” gập đầu của người Nhật thì mình sẽ nghĩ “Chắc đầu bếp người Nhật gốc Hoa hay có gì đó liên quan tới Hoa”. Những trường hợp đó hơi hiếm. Và tất nhiên khi món ăn được bưng lên, nếu là người quen ẩm thực Nhật, khả năng cao bạn sẽ biết ngay quán có authentic hay không. 

Hôm nọ khi mình xem show “Taste of Nations”, mình phát hiện ra Tortilla không thực sự là hàng authentic của người Mễ. Cha ông họ không có thói quen dùng bột, nó chính xác được giới thiệu trong thời kỳ bị đô hộ. Nhưng ngày nay, khi nhắc tới Taco ai ai cũng nghĩ tới Mexico. Đó là vì họ bỏ qua cái giai đoạn thành phần làm bánh, mà họ thổi hồn, những thứ ớt cay nồng và gia vị của người Mễ vào món ăn. Họ Mễ hóa và nó dần trở thành một món Authentic Food từ Mexico. 

Rốt cuộc, chữ authentic với mình là một sự can đảm. Can đảm chấp nhận nhìn nhận giá trị bản thân và can đảm trưng nó ra trước bàn dân thiên hạ. Nói thật, làm thật, sống đúng với chính mình. An authentic self. 

Cho nên, nói gì thì nói, khi nhắc đến thương hiệu cá nhân, be authentic nghĩa là “mình là mình, như cái cách chị Ánh đã chia sẻ về chị và đã nhận định về thương hiệu Minh Ngoc’ Journey. 

Bạn có thể đọc thêm về cách mình đi tìm Thương hiệu cá nhân Minh Ngoc's Journey ở đây nhé. 

2. Bàn một chút về authentic marketing và personal branding

Có rất nhiều người trong chúng ta khi đọc một cái gì đó “có mùi quảng cáo/thương mại” là dừng lại ngay lập tức. Chiếc radar nghi ngờ của ta được bật lên, chưa biết thật hư chất lượng sản phẩm hay dịch vụ như thế nào, nghe quảng cáo là thấy … không đáng tin rồi. 

Nói thêm, ngày nay, khi công nghệ phát triển quá nhanh, một người Mỹ bình thường sẽ “được” đọc chừng 34 gigabytes data một ngày. Bây giờ nhìn lại ổ cứng laptop của bạn xem, bạn sẽ thấy số lượng thông tin kinh khủng thế nào. Do vậy, một là con người ta đã “được” quảng cáo quá nhiều và bội thực thông tin. Hai, con người chúng ta cũng dần lãnh cảm và trở thành những người “không tin”.

Bởi vậy, “viết quảng cáo như không quảng cáo” chính xác là viết từ tâm, viết không gượng ép, viết rất đời thường. Nó đúng chất là authentic marketing đó. Mà khi nói về thương hiệu cá nhân, cái gì đời thường hơn … những mẩu chuyện hằng ngày? Cái gì hấp dẫn hơn câu chuyện rất riêng, rất cá nhân của một ai đó?

Nhưng viết cho mình đọc và viết cho người khác đọc, cách viết và chia sẻ sẽ khác. Với thương hiệu cá nhân, cái hay là chủ thể là bạn rồi. Nên không cần gồng. Bạn chỉ cần thoải mái với chính mình, với tính cách của bạn, với điểm mạnh, điểm yếu của bạn cái đã. Rồi bạn hãy bắt cầu để mời gọi những người cần quan tâm tham gia vào câu chuyện với bạn. 

Có một bài viết thử của Hòa – một bạn trong nhóm viết, mình đã gợi ý chỉnh lại vì mình có thời gian theo dõi cách Hòa viết, mình biết điểm đặc biệt và tính cách của bạn. Mình hiểu, khi bị đẩy ra thế giới thương mại, rất dễ để ngó trái nghía phải và thấy ai cũng xuất sắc. Nên bạn bị khớp và đánh mất cái chất của mình, bạn vô tình làm marketing chưa đủ authentic. Nhưng Hòa quên là em rất đặc biệt trong viết sáng tác, trong kỹ thuật dùng từ và truyền tải cảm xúc. Mà khi viết về mình, đọc lại thấy lạ hoắc, là hơi kì, phải coi cái đứa bên trong mình nó muốn sửa cái gì đây. Nhìn lại, sửa dần, sẽ được. 

3. Làm marketing, nếu không authentic thì sao? 

Thú thật, mình từng có nỗi sợ với công nghệ mà hiện nay vẫn còn. Khi các AI hay Robot có thể thay chúng ta viết sách, làm nội dung quảng cáo … nói tóm lại là viết content; liệu còn ai quan tâm và dám làm nghề viết lách hay có niềm tin vào authentic brand nữa không? 

Máy học bây giờ rất nhanh. Đánh một vài dòng, máy đã có thể tự tìm kiếm thông tin và gom góp lại thành một văn bản hoàn chỉnh. Người làm sao mà học lại máy, đúng không? 

Nhưng bạn biết sao không? Cái thực ra máy không học được (bây giờ)  là trí tuệ cảm xúc, là sự thấu cảm, là cái … đời đó. Máy có thể viết giùm ta một cuốn sách với ý tưởng góp lại của nghìn cuốn sách khác, nhưng chưa chắc nội dung có đủ cảm xúc để “chạm” đến người khác. Máy có thể viết hàng ngàn bài quảng cáo không sai lỗi chính tả, nhưng chưa chắc nó kể được một câu chuyện từ nhiều khía cạnh cuộc đời của một thương hiệu, của một con người. 

Bản chất máy không có authentic. Và vì vậy, cách duy nhất để ta sáng tỏ thương hiệu cá nhân của mình giữa hàng vạn người khác là can đảm chấp nhận mình và dám khác biệt. Cách duy nhất để ta khác với máy là “be your authentic self/ là chính ta với những hỷ nộ ái ố rất đời.” 

Vậy đó, be authentic là sống thật với chính mình, là can đảm nói về mình theo cách của mình cho người khác hiểu, là học cách truyền cảm xúc thực của mình để mình khác biệt, với người và với máy. 

À, và mình thấy cái cách làm thương hiệu nó thực chất là con đường định vị chính mình. Cũng như các công ty ngoài kia thôi, họ ngày ngày đo đạc để hiểu họ hơn, đối thủ và định hình họ mà nhỉ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

DMCA.com Protection Status