Minh Ngoc's Journey

A Life Traveller – A Storyteller – A Writer

THE CHANGING BOOKS

changing-books

Thực sự thì không có Một cuốn sách nào thay đổi tôi dữ dội vậy đâu, mà phải gọi là “Chúng nó”. 

Tôi còn nhớ, trước đây, khi đang chơi một quiz trên facebook kiểu “Người sau này bạn cưới sẽ như thế nào?”, tôi đã chọn “Nên có lần gặp đầu tiên tại thư viện hay nhà sách”. Tôi thích không gian sáng sủa vừa đủ tại những nơi chốn này. Tôi cũng thích cảm giác được vây xung quanh bởi sách, bởi những dòng suy nghĩ của nhân loại, những người đã cách tôi hàng trăm năm. Và tôi cũng thích cảm giác được vây quanh bởi những con người đang dán mắt vào những trang sách, một hiện thực – những con người bằng xương bằng thịt. 

thư-viện-nhà-sách

Với tôi, thư viện hay nhà sách có thể nói là chốn linh thiêng bậc nhất. Có lẽ vậy, khi đi đến một thành phố, quốc gia nào mới, tôi đều tót vào một nhà sách hay thư viện công cộng nào đấy. Để hít hà nghe mùi sách mới và cũ, ngắm nhìn những khuôn mặt xa lạ nhưng lại cảm nhận một sự đồng cảm chung: sự hoan hỉ trong con chữ. 

Ơ, thế cái việc này liên quan gì tới quyển sách có tác động lớn nhất với tôi? 

À, là do tôi đang bối rối đấy. Tôi cũng chả biết phải trả lời như thế nào vì tôi  không có một quyển sách nào cụ thể để kể bạn nghe cả. Mấy hôm nay, tôi lục lọi trong trí nhớ của mình, tra đi rà lại tất cả những quyển sách cho tôi cảm giác biết ơn hoặc thay đổi . Tôi ra được câu trả lời rồi, nó không phải là một, nó là một chuỗi sách mới ghê chứ. Và chuỗi sách này gắn liền với một hành trình mà tôi đang đi. Ôi nó ví diệu làm sao. 

Lỡ đọc tới đây rồi, tôi mời bạn thắt dây an toàn và du hành ngược thời gian cùng tôi nhé. 

Đó là những năm tháng thanh thiếu niên của tôi. Cái thuở học sinh khi tôi thấy chúng bạn thân cứ lâu lâu lại có bạn cùng lớp, anh lớp trên tăm tia, tôi thắc mắc lắm. Tôi lại mê truyện tranh và tôi cũng thấy những ví dụ về thanh mai trúc mã, tri kỷ, soulmate các kiểu. Tôi tự hỏi có thật trên đời có cái gọi là một nửa cho mình không? Hay mình tự cắt xén để nó vừa vặn với cái nửa còn lại mình tự nhận? Mà lỡ có một nửa thật nhưng người ta ở xa quá, mình không bao giờ, mãi mãi không bao giờ biết đến thì có phí phạm cuộc đời không cơ chứ? Tôi đã có nhiều cuộc lập luận về chủ đề này với nhỏ bạn bàn trên. Hai đứa đều tên Ngọc. 

thay-đổi-cách-nhìn-một-nửa-soulmate

Mà dạo đấy, mẹ tôi lại hay rủ tôi đi chùa và nghe thầy giảng mỗi cuối tuần. Qua những bài giảng, thầy bảo “Bọn trẻ tụi con chỉ khi chứng minh được mới tin, chỉ khi thấy mới tin. Còn mấy cái như luân hồi, đầu thai nói mãi nói mãi thì chắc nghe cho vui đúng không?”. Tôi cũng gật gù, ai hỏi thì tôi bảo “Ờ, chắc có thật ở đâu đó.” Nhưng tôi cũng chả quan tâm gì, nó cao siêu mà. Tôi vẫn đang quan tâm câu hỏi “Soulmate của tôi đang ở đâu? Đã kịp đầu thai chưa?” 

Những cái tên đầu tiên cho sự thay đổi và thức tỉnh

Thế rồi một ngày đẹp trời, mẹ lại na tôi đi chùa. Lần đấy, chùa Xá Lợi bày một loạt sách để tặng. Ôi trời, tôi như con chuột sa hũ gạo. Toàn là sách mới. Mà không phải sách nào cũng Phật Pháp nhé. Có cả truyện, sách văn học, thơ. Thích mê. Tôi ôm vài cuốn đem về đọc. 

Và cái quyển tôi vô tình chọn, nó thay đổi nhận thức của tôi thật. Quyển đấy của Tiến Sĩ Brian Weiss – một nhà tâm lý trị liệu qua thôi miên quy hồi. À, lúc đó tôi đâu có quan tâm cái ông tác giả, tôi thấy tựa sách hấp dẫn nên tôi bóc thôi. Hình như tôi bóc tới hai ba cuốn lận, bây giờ tôi nhớ ngờ ngợ thôi bạn ơi.

Đó là “Tiền kiếp và luân hồi có thật không?”, “Kiếp nào ta cũng tìm thấy nhau” và “Lời ngỏ từ cõi tâm linh”. 

thay-đổi-nhận-thức-với-sách-brian-weiss

Quyển đầu lý giải giúp tôi rằng “mấy cái thầy phán là có thiệt nha, đừng có cười thầy nha hong.” Nhưng bên cạnh đó, tôi cũng nhận ra rằng, nếu Phật Giáo là tôn giáo xuất phát và phổ biến ở Á Đông thì chính quyển sách này cho tôi niềm tin rằng “Những gì thầy giảng, những gì mà tôi biết về Phật Giáo từ ông bà cha mẹ nó là sự thật. Nó không phải vấn đề tôn giáo. Và nó được chứng kiến và viết lại bởi một tiến sĩ người Mỹ”. Cái lúc tôi nhận ra những cái nào giờ tôi tưởng chỉ có ở khu vực của mình, nó thực sự được nghiên cứu và có chứng minh hẳn hoi. Tôi thấy kì diệu lắm. Lúc đó, tôi khoảng 16 tuổi. 

Điều thứ hai tôi học được từ bộ ba quyển này là “Cuộc đời mỗi người đều có một sứ mệnh khác nhau. Khi sinh ra, ta đều đã có sứ mệnh cho mình rồi. Nên đầu tiên ta phải tìm ra sứ mệnh đó. Sau đó thì thực hiện nó. Thực hiện xong thì coi như bạn được lên xe buýt để lên trạm tiếp theo. Vậy đó. Mỗi người có một bài học riêng.” Lần đó tôi thấy cũng hợp lí. Vì tôi nhìn quanh và cảm giác mỗi người xung quanh tôi, họ khác nhau lắm. Họ chắc phải có bài học riêng và đang đi trên chuyến xe của họ. Nên tôi bắt đầu để tâm và đặt câu hỏi “Sứ mệnh của tôi là gì?”. Sự thay đổi bắt đầu.

Điều tiếp theo thì hợp thời hơn nè, nó trả lời cho câu hỏi “Liệu một nửa có thật không?”. Thì quyển “Kiếp nào ta cũng tìm thấy nhau” và “Lời ngỏ từ cõi tâm linh” trả lời cho câu đó. Nếu là một nửa, chắc chắn sẽ gặp. Và đã gọi là một nửa thì bản thân mặc dù đối diện với một người xa lạ, nhưng cảm giác sẽ rất khác. Nhưng quyến sách cũng lý giải những trường hợp một nửa gặp nhau nhưng lại không đến được với nhau hoặc lại có những quyết định khác nữa. Thế nên, ít ra là tôi an tâm lắm, kiểu an tâm là “Ờ, bây giờ mình ế thôi chứ chắc một nửa đang rong chơi đâu đó. Gặp là biết liền.”

Nên khi tôi đã vững tin vào chuyện này, tôi tự nhủ với bất kì người nào tôi gặp trên cuộc đời này, tôi cần phải chú tâm và có cảm nhận rõ ràng về người đó. Tôi không xem ai cũng là kẻ qua đường, mà tôi tin ai cũng là người sẽ có một sự kết nối nào đó với tôi. 
Cơ duyên và những cái tên đã thay đổi tôi trên hành trình vào đời

Đó là ba ý chính mà tôi nhớ cho tới bây giờ, đã hơn 15 năm rồi, kể từ lúc tôi cầm trên tay mấy quyển sách đó. Tới giai đoạn đại học, tôi lại đọc “Kiếp sau” của Marc Levy. Câu chuyện giả tưởng nhưng nó lại lần nữa nhắc nhở tôi về những cái tôi nên nhớ. Và gần đây nhất là quyển “Muôn kiếp nhân sinh” của tác giả Nguyên Phong

À, tôi là dạng người sách có hot cỡ nào thì tôi cũng không quan tâm. Tới khi có ai đó hay sự việc gì đó nhắc tới tôi thì tôi sẽ mò mẫm và đọc nó thôi. Nội dung của “Muôn kiếp nhân sinh” thì ắt hẳn mọi người đều nằm lòng rồi. Bác Nguyên Phong kể một câu chuyện rất lôi cuốn và những tình tiết cũng “có-vẻ-thật” (xin lỗi bác, nhưng con sẽ cho là có yếu tố làm tròn trịa nội dung). Với quyển này, cái tôi vỡ òa là “Một linh hồn đã có thể tồn tại hàng nghìn năm rồi. Những nền văn mình cổ xưa thật sự có ý nghĩa chứ không hẳn là nó huyền bí cho vui vậy đâu. Và sự nhiệm màu của Thiền.” Thế là tôi thiền. 

muôn-kiếp-nhân-sinh-thiền-thay-đổi-nhận-thức

Tôi đã được dẫn dắt vào con đường Thiền 10 năm trước rồi. Nhưng rồi tôi không theo đuổi. Có nhiều lần cầm quyển sách hướng dẫn Thiền, tôi đọc được vài trang, tôi tự hỏi “Sách tiếng Việt hay tiếng gì mà khó hiểu vậy?”. Ơ nhưng lần này tôi hiểu, tôi còn highlight đoạn ông Krish nói “Thiền cơ bản là ngồi đó xem các suy nghĩ của ông lần lượt trôi qua. Ông ngồi đó và nhìn nó trôi qua thôi. Ông không theo đuổi các dòng suy nghĩ đó. Và ông tập thở. Vậy đã.”

Còn các hình thái của Thiền và Yoga là một trong những hoạt động cổ xưa còn xót lại để giao tiếp kết nối với bề trên. Nghe cũng vi diệu thật nhỉ nhưng chưa có bề trên nào thỏ thẻ với tôi cả nên chưa có chuyện gì để kể đâu! 

Điểm cuối cùng là sự khẳng định của ông Krish về việc ăn chay và lý do tại sao càng giảm ăn thịt, thân tâm trí lại càng tốt. Ừ thì tôi cũng đã nghe qua rồi, trước khi sang du học, tôi đã ăn chay vài ngày một tháng. Lúc đó, tôi còn tự nhủ “Thôi, con sẽ ăn cho đã đời rồi tầm 30 con sẽ chay nhiều hơn nhé.” Chả hiểu thế nào, tất cả những người bạn trai tôi quen đều ăn chay trường. Và anh bạn hiện tại thì tuyệt nhiên cấm tôi ăn thịt đỏ, không vì lý do tôn giáo, nhưng vì bản sợ cho sức khỏe của tôi. Thế là tôi tự nhiên bị vô thế làm bạn với rau củ quả.

Cái hay của việc bắt đầu “học ăn” lại là tôi thực sự “nhai” và tôi cảm nhận được vị ngọt của gạo trắng, tôi cảm nhận được vị béo béo của bánh mì và tôi hiểu các loại đậu hay rau, bọn nó đều có vị rất hay, rất riêng. Tôi quên luôn vị thịt mọi người ạ. Tôi của trước đây chắc chắn sẽ thấy tôi của ngày hôm nay thật nhạt nhẽo. Nhưng tôi bây giờ không quan tâm lắm. Thịt cũng được nếu tôi cần để xã giao. Nhưng xã hội Bắc Âu thì các tín đồ vegan khắp nơi nên việc này không khó. Thế nên tôi cứ sống chầm chậm, tận hưởng hương vị của các loại rau củ quả và ngày ngày “thí nghiệm” các loại món mới thôi. 

Ồ, đó là hành trình đọc và những quyển sách làm thay đổi cuộc đời tôi đó. Không có quyển nào là đổi hẳn được tôi 180 độ đâu. Nó cứ từ từ, nhấn nhá. Mỗi khắc lại có mỗi quyển xuất hiện. Tất thảy bọn nó nắm tay nhau dẫn dắt tôi đi trên con đường hiện tại. 

Vậy đó, bạn có thể đọc thử một lần và kể tôi nghe bạn cảm thấy như thế nào. 

Bài viết trước đây của tôi về Giọng điệu.

Bài viết về lợi ích của Thiền và Viết.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

DMCA.com Protection Status