Minh Ngoc's Journey

A Life Traveller – A Storyteller – A Writer

hãy Sống như một sứ giả của niềm tin mà bạn theo Đuổi, như thầy!

pink lutos flower
Ảnh lấy từ bài báo này
Nếu một ngày nào đó, bạn đi về một làng quê xa xôi ở miền Trung Việt Nam, bạn có thể sẽ thấy một em bé chăn trâu, ngồi bên ngôi mộ vắng giữa cánh đồng trơ trọi chăm chú đọc 'Thả một bè lau' của Thích Nhất Hạnh. Hay bạn bước vào một tiệm sách ở phố xá đông đúc Hà Nội hay Đà Nẵng, Tokyo, hay Madrid, bạn sẽ thấy độc giả đang đứng nhìn từng bìa sách của Thích Nhất Hạnh, thì bạn nên nhớ rằng ở cùng thời điểm ấy, trong một căn hộ nhỏ ở Paris, nơi một ghế đá công viên ở Munich, hay là trong thư viện đại học Stanford, California, một sinh viên tâm lý học nào đó đang nghiên cứu 'The Miracle of Mindfulness' (Phép lạ của Tỉnh thức).

Trong bộn bề rối reng của khối óc này, ngày hôm qua, tôi bắt buộc bản thân phải dừng mọi thứ lại để xem tiếp một bài viết với đoạn trích ở trên. Có lẽ mấy ngày rồi, bản thân tôi lúc bình thường lúc lại mang mác khi vô tình đọc hay xem lại mấy lời chỉ dạy của Thầy. Thế nên tôi cũng không chú tâm nhiều nữa để theo hết những bài viết hay cập nhật về Thầy. Tôi nghĩ, tôi nên làm cái việc Thầy mong mỏi nhất cho chúng ta là tiếp tục sống và lan tỏa những giá trị Thầy đã dày công trao đi. Nhưng đoạn viết trên bắt được tôi vì nó đúng quá, nó một lần nữa cho tôi thấy lý do tại sao tôi cứ buồn rười rượi khi có dịp nghĩ đến.

Tôi tiếc.

Tôi đến với Phật giáo có lẽ tử thuở bé con. Ngày tôi bi bô chập chững, ba mẹ và ông đã dắt tôi đi chùa và quen với không gian của sự linh thiêng này. Nhưng tôi không phải đứa trẻ dễ nắn, tôi thích thì tôi làm, tôi hiểu thì tôi đọc, tôi ưng thì tôi nghe. Và quả thật, mặc dù trong nhà có sách vở kinh kệ, tôi không bao giờ mở ra đọc một lần. Vì tôi không hiểu thì tôi không đọc.

Tôi đọc truyện Phật giáo, tôi nghe kể lại từ ông tôi. Tôi nghe như truyện cổ hay truyện thần thoại thế thôi. Tôi cũng hiểu sơ sơ, như kiểu “Ở hiền gặp lành” trong những câu chuyện Thạch Sanh Lý Thông vậy. Nhưng ai nhắc đến các tầng lớp tư duy hệ thống triết lý Phật Giáo và những định nghĩa của nó, tôi chịu.

Nhưng có lẽ thứ gì muốn đến với bạn, bằng mọi cách nó sẽ tìm đến. Hoặc bằng mọi giá, bạn sẽ được dẫn dắt đến nơi cần đến.

Hồi cuối năm 2021, tôi từng viết, có 2 cái tên ảnh hưởng đến tôi trong hành trình tâm linh. Đó là tác giả Nguyên Phong và thiền sư Thích Nhất Hạnh. Tôi thực ra đã biết đến Thầy lâu lắm rồi, từ thưở mẹ tôi để hớ quyển “Đường xưa mây trắng” và “Như cánh vạc bay” trên gối đầu giường của mẹ. Tôi tò mò đọc và biết đến Thầy từ đó.

Có thể nói, nhờ Thầy, tôi bắt đầu hiểu hiểu “Đạo là đời” là cái chi, bởi nó dễ mường tượng, nó không dùng những thuật ngữ khiến tôi thấy mình ngu dốt quá. Tôi hiểu, tôi thấy Thầy cũng gần gũi quá, tôi thấy cái Thầy đang nói đây tôi có vẻ cũng làm được.

Thầy làm tôi nhớ tới một câu của Einstein thì phải “Khi bạn có thể giải thích được một điều gì đó và khiến người khác cũng hiểu nó, bạn mới thực sự thấm nhuần cái bạn đang nói.”

Tôi, nhờ Thầy, mà hiểu rằng triết lý hoàn toàn có thể được lý giải một cách đời và bình dị như vậy. Vốn dĩ chân giá trị là gốc, việc đưa thông điệp ra như thế nào mới là nghệ thuật và khả năng diễn đạt của từng người. Ơ mà Thầy đã làm hơn cả việc đi giảng dạy hay viết sách, Thầy dùng chính cuộc đời của mình để làm một thông điệp có giá trị vĩnh cửu.

Nhờ tư tưởng đơn giản hóa này, tôi từng cười đùa với những người bạn giễu cợt mình rằng “Ủa, sao theo đạo mà không ăn chay niệm Phật, sao không đi chùa?”. Tôi thuở ấy cũng cười trừ, tôi tin lúc đó tôi chỉ theo một hình ảnh mà người ta gọi là “Practicing Buddhist” – kiểu như Phật tử tại gia hoặc đang trên con đường thực hành vậy thôi. Bởi tôi chả thuộc một bài kinh kệ nào hết.

Tôi thấy nó tự do. Tôi thấy nó make sense (đúng về mặt logic) với bản thân mình nên tôi cứ làm thôi. Sống tốt, sống đúng, sống với hiện tại. Tôi hiểu nó là một phong cách sống. Nên tôi thoải mái lắm, tôi xem cái tôn giáo tôi đang theo là một phong cách sống.

Cái thứ hai mà tôi tiếc khi thực sự suy nghĩ lại trong thời gian này, đó là niềm tự hào. Tôi tự hào đã được sinh ra ít nhất trong cùng một thời đại, được thở chung bầu không khí với Thầy. Và tôi tự hào có chung tiếng nói và gốc gác với Thầy. Mấy khi tôi được hãnh diện như thế với bạn bè năm châu đâu nên tôi tiếc một chút vậy thôi.

Nhưng trong tất thảy, bạn có công nhận Thầy là một cây viết vĩ đại không, nếu chúng ta nói về viết? Người ta bảo, khi đi vào nhà sách khu vực tâm linh, bên cạnh khu của Đức Đạt Lai Lạt Ma, thì luôn luôn có một kệ sách riêng mang tên Thích Nhất Hạnh. Thầy viết bất chấp trời đông giá rét, Thầy viết bất chấp binh lửa chiến tranh. Số lượng sách Thầy để lại tính ra đứng thứ 2 thế giới. Với các bài giảng và hoạt động của Thầy, cái tên Thích Nhất Hạnh được xem là nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng bậc nhất không chỉ trong lĩnh vực tâm linh mà còn là một triết lý sống và sứ giả hòa bình.

Thầy sống đúng như cách Thầy viết. Đơn giản, quyết liệt, nhiệt huyết, ý nghĩa.

Điều này khai sáng tôi lắm, nó củng cố niềm tin ở tôi về những câu chữ bình dân gần gũi vẫn có sức lay động lòng người. Nó khẳng định với tôi rằng miễn sao những gì bạn viết đúng với những gì bạn sống và miễn sao thông điệp bạn muốn lan tỏa có ý nghĩa và đưa đến giá trị với người khác; bạn chắc chắn chắc chắn sẽ thành công.

À, thế nên tôi không tiếc nữa, tôi sẽ cất cái tiếc nuối ấy vào mà tiếp tục những gì còn dở dang. Bạn cũng vậy, nhé!

(24.01.2022 – sau 2 ngày Thầy quyết định transition của mình)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

DMCA.com Protection Status