Minh Ngoc's Journey

A Life Traveller – A Storyteller – A Writer

7 ngày viết liên tục & các bài học

7-ngay-viet-lien-tuc

Trong 7 ngày vừa qua, khi vừa mentor vừa viết tiếp những ý tưởng dang dở, vừa ghi chép nhanh các quan sát được; mình đã kịp ra lò được 6 bài về freelancer, 1 bài văn hóa Bắc Âu và một số chia sẻ nhanh. Chung quy lại, rất cảm ơn các bạn đã đón nhận và gửi cảm nhận đến bài viết của mình. Cũng nhờ vậy, mình đã kịp đúc rút ra các bài học sau. 

Bài học lớn từ mentor 7 ngày

Chúng ta có va nhau ở bài học nào dưới đây không? 

Mentor – Mentee thực chất là mối quan hệ cùng học 

  • Thông qua việc trao đổi ngắn và đưa ra các đề mục với các mentee, mình học được các nhu cầu và “khó khăn” chung chung của các bạn. Tùy vào tính cách từng bạn, mình cũng rèn luyện khả năng lắng nghe và phân tích vấn đề, để khai mở gợi ý cho từng kế hoạch cá nhân. Từ những quan sát và ghi nhận đó, để không chỉ giúp mình ghi chú lại các trao đổi, mà phần nào đóng vai là lời nhắc nhở, mình cũng “tiện tay” viết tóm tắt và chia sẻ lên với mọi người trên group luôn. Các bài viết mình lấy cảm hứng từ cuộc trao đổi bao gồm: “Blog vs. Website vs. Portfolio” và bài “Balo bạn đang có bao nhiêu hòn đá?” 
  • Mặc dù mình đang mentor cho một số bạn, nhưng mình vẫn kịp chộp được 2 mentor để hỏi thêm về lĩnh vực mình quan tâm. Tuy nhiên, giống như đi nộp đơn xin việc thì phải, bạn cũng có khả năng bị từ chối vì “over-qualified”. Với những bài viết của mình trên group, có một số bạn ngại ngùng khi nhận mình làm mentee. Mình cũng hiểu điều đó. Bài học của mình có lẽ là “không phải cứ tưởng đã chắc cú có mentor rồi thì lại không bị reject” nhé. Dẫu vậy, với nhu cầu tự làm một chiếc ebook, có hay không có mentor, mình vẫn đang làm. Và mình tin một khi mình hoàn tất nội dung, phần quy trình lên ebook cũng sẽ có thể tham khảo và hỏi lại những bạn có kinh nghiệm sau. 
  • Bù lại, cũng có bạn chịu mentor mình. Đúng ra là sự trao đổi thông tin về lĩnh vực cả hai cần hỏi. Mặc dù mình chưa có ý định làm podcast, nhưng bản tính là một người “chắt chiu thu lượm” kiến thức để dành, mình đã hỏi Po để có sự chuẩn bị cho bản thân. Cũng may, Po rất chuyên nghiệp, bạn soạn sẵn một bộ câu hỏi sàng lọc để trả lời. Và bản thân mình cũng biết những điểm cần hỏi Po – một người đang thực chiến Podcast. Thực tình, cách tạo Podcast như thế nào theo các bước nếu chịu khó có thể ngồi Google được. Nhưng cái “khó” Google là kinh nghiệm đúc kết được và trường hợp cụ thể của từng cá nhân. Do vậy, việc chọn mentor đối với mình sẽ rất chuyên sâu về lĩnh vực mà mentor đó đã có kinh nghiệm và sự phù hợp với kế hoạch phát triển của cá nhân. 
  • Một điểm hay nữa của chương trình Mentor – Mentee là việc chia sẻ lại trên group. Nhờ vậy, chuỗi bài 7 ngày Podcast của Hân Thái đã phần nào gỡ một số nút thắt của mình về lĩnh vực này. Các bài chia sẻ và góc nhìn khác về việc lập blog, phương pháp định hướng, kinh nghiệm mentor-mentee của những bạn/chị/em khác cũng giúp mình bổ sung kiến thức chuyên ngành và kỹ năng mềm trong quản lý. Cụ thể là bài Recap Mentor của chị Ánh về việc những “quy định riêng” của chị với các mentee. Hoặc bài chia sẻ lại của các mentee của mình cũng giúp mình hiểu hơn các bạn thực sự “ôm” được bao nhiêu thứ sau buổi trò chuyện với mình và có “take action” hành động được chưa. 
Tóm gọn lại, chương trình mentor-mentee thực sự đã thôi thúc một tinh thần cầu thị và cởi mở trong chia sẻ. Nhờ vào việc “được hỏi”, bản thân mình có cơ hội được nhắc nhở rà soát lại kiến thức và chia sẻ lại dưới dạng bài viết. Hỏi và được hỏi, từ đó đều là chất liệu cực tốt để đắp vào kiến thức cho bản thân. Mình cũng có thói quen bắt tay vào viết tóm tắt mà không cảm thấy áp lực vô hình về mặt thời gian nữa. 

“Ý tưởng” để dành không bao giờ thừa nhưng … bạn phải bắt tay vào làm 

Khi viết ra cam kết cho tháng 12, mọi người ồ òa rất nhiều vì mình cam kết 7 bài chia sẻ về chuyện freelancer, 4 bài chia sẻ về chuyện du học và 1 chiếc ebook tủm tỉm với 30 câu quotes. “Nhiều vậy sao bà viết hết? Còn khâu lên ý tưởng thì sao?” – Po đã hỏi mình như vậy trong một buổi chat. Bạn biết sao không, thực ra mình đã lên danh sách các tựa đề mình muốn viết và chia sẻ từ lúc bắt đầu gia nhập nhóm viết rồi. 

Nhưng như mình có chia sẻ, “tham gia nhóm viết để luyện kỹ thuật viết, nhưng khi đi theo đám đông lắm khi lại quên mất lý do mình muốn viết là gì.” Do vậy, mình cảm thấy biết ơn lắm thời gian 7 ngày viết liên tục, đây chính xác là lời nhắc nhở “Này, nếu không có nhóm, bạn tính làm gì với ý định viết của mình đây? Thế bạn đã viết chưa? Tới đâu rồi?”. 

Trong giai đoạn khởi động chuỗi 7 ngày, chúng ta lại có workshop thương hiệu cá nhân từ chị Linh. Một lần nữa, đây chính xác là lời giục mình nhìn nhận lại thời gian 3 tháng hơn với viết, chiếc blog mình xây, đường hướng mình đi, các mẩu chuyện mình kể và cả cái cách mình đang kể … đang nói gì về mình. Nó có đúng như cái cách mình muốn hay không?

Lại một sự hên nữa khi được làm giám thị chị Ánh, mình có dịp đọc bài của chị trên blog Viết Sáng Tạo – một lĩnh vực về PR mà mình ít có kiến thức. Tương tự là các blog của các cây viết freelancer khác, mỗi người có một lõi chủ đề rất đặc trưng. Gom lại tất thảy, mình hiểu giai đoạn “viết thử” của mình gần như qua rồi, bây giờ là giai đoạn “uốn nắn” và định hình để phong cách rõ ràng hơn. Một chiếc niche cần được chọn để tập trung và đào sâu thực hiện kế hoạch ban đầu của bản thân. 

khi làm, cần sự tập trung hoặc ít nhất là cam kết có thời hạn 

Bên cạnh việc “chưa biết rõ mình muốn viết gì” thì cái sợ “thiếu ý tưởng” cho một chủ đề viết ám ảnh mình ghê lắm. Nhưng rõ ràng, sau chuỗi 7 ngày viết tù tì một mảng nội dung về freelancer hoặc tư duy phát triển bản thân, có gần như ½ số bài là mình bắt được ý tưởng trong ngày hôm đó thông qua báo chí phim ảnh và các cuộc trò chuyện với mentee. 

Điều này có nghĩa là, một khi bạn đã giương cung lên, tay với lấy chiếc cung tên, bạn chắc chắn sẽ hướng mắt vào hồng tâm. Có trật thì nó cũng nằm trong các đường tròn trước mặt bạn mấy chục mét thôi, không thể là một đường xéo hay đâu đó lơ lửng trên trời. 

Vậy nên, giống Lúp Phương có chia sẻ, mô hình chữ T trong việc học và phát triển. Thoạt đầu ta có thể trải rộng kiến thức nền và các mảng kiến thức liên quan, bổ trợ; như thanh ngang trong chữ T. Nhưng sau khi đã dần có cảm giác với thứ ta muốn đào sâu, bạn cứ yên tâm để đi thật sâu với nhánh chủ đề đó. Càng tìm hiểu, lại càng có cái để viết và chia sẻ hơn. 

Chung quy lại là sự tập trung và tính nhất quán, để người khác khi nhắc đến bạn, họ đủ ấn tượng bạn là ai và đại diện cho cái gì. 


Vậy đó, 7 ngày qua, rút lại, cái mình học được là:

  • Làm mentor hay mentee đều là cơ hội được hỏi hỏi, trao đổi và chia sẻ kiến thức 
  • Môi trường học tập nhóm là lợi ích giúp tiết kiệm thời gian nếu bạn biết chọn lọc thông tin kiến thức phù hợp cho định hướng của mình
  • Luôn luôn nhớ mục tiêu và kế hoạch của mình. Khi bạn “có vẻ rảnh”  nhất, nếu kế hoạch và định hướng của bạn không rõ, rất dễ để bạn sa đà vào đám đông mà quên mất chính mình. 
  • Ý tưởng ở khắp nơi nên không phải sợ sẽ thiếu cái để chia sẻ. Cái nên sợ là không có một kế hoạch hành động cụ thể và khả dĩ. 
  • Đọc thôi chưa đủ, cần phải ứng dụng ngay kiến thức góp nhặt. Đừng sợ việc đó mất quá nhiều thời gian, bởi nếu ta không ghi chú lưu trữ lại, việc sau này xem mớ kiến thức vừa “nhặt” được như mới sẽ tốn thời gian hơn rất nhiều. 
  • Cuối cùng là, tập trung, kiên định và nhất quán cho một chặng thời gian đúng, thì bạn sẽ mau đến trạm tiếp theo thôi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

DMCA.com Protection Status