Minh Ngoc's Journey

A Life Traveller – A Storyteller – A Writer

Chuyện Ăn Chuyện Uống của Du Học Sinh

an-uong-du-hoc-sinh
Chuyen-an-uong-du-hoc-sinh-phan-1
Từ thành phố Đại Học Vaasa cho đến 100…1 chuyện ăn uống của du học sinh

Người ta hay nói, điều gì từ trái tim sẽ tới trái tim, nhưng mà tui thấy, trước khi muốn tim này tim nọ thì nên đi qua bao tử đã rồi quẹo lên trái tim sau cũng được. Nhất là ở cái xứ Bắc Âu này, vừa no bụng, ấm thân, thì con người ta mới thoải mái cởi mở trò chuyện với nhau hơn. Mà đã nói tới chuyện đồ ăn đồ uống, nhất là với Minh Ngọc, thì ôi thôi, có ti tỉ thứ để kể. 

Từ chiếc hành lý mang sang Phần Lan

Thú thật, khi bay qua Phần, hành lí của mình chắc ½ là đồ ăn khô mọi người ạ. Nào là mì ly, miến, phở, bún bò huế … tui còn được chị bạn khuyên mua nồi cơm điện mini đem qua nữa (à, công trạng cái nồi này lớn lắm, không có nó có khi giờ này không có ai ngồi kể lể cho mấy bạn nghe đâu. Muốn biết thì đọc lại post trước).

Câu hỏi là: tại sao lại đem lỉnh kỉnh quá trời thứ vậy, bộ Phần Lan không có đồ ăn hay gì? Không phải, bởi vì không biết ở Phần người ta ăn gì và mình có hợp hem? 

Prep với mấy bạn một chút, trước đây khi MN ở Mẽo 5 tháng, thì tui cũng biết khoai tây, mì ý và phô mai là các món ăn chính. Vốn dĩ đã được má huấn luyện từ nhỏ “Ăn đi không được kén, mốt lỡ không có mà ăn rồi ngồi đó đói nhăn răng à” thì cơ bản là mình khá dễ tính với đồ ăn. Nhưng không thể dễ dãi, nhất là những lúc … thèm đồ nhà. Với một con người luôn cần súp nóng và không biết nấu phở, thì mấy cái gói phở miến bún bò đó là cả một thiên đường với tui đó. Nói chi xa, bà con cứ nhìn lại mình mấy ngày nằm chèo queo ở nhà thèm tô bún bò ngoài đầu hẻm đi là hiểu cảm giác rồi heng. Bởi vậy, quần áo thì xếp xó nằm ở nhà chờ qua Phần mua sau, còn đồ ăn thì phải bưng qua cho bằng được . . . [ở đây phụ huynh hay em nào tính đi học xa xứ nhớ tự rút kinh nghiệm nha]. 

Thôi vô đề héng. Chuyện ăn uống của du học sinh chắc không có gì mới, đi du học ở nước nào thì đa phần bạn cũng sẽ có vài mô tuýp tụ họp bạn bè ăn uống giống nhau. Có chăng, khác biệt sẽ nằm ở câu chuyện ẩm thực vùng miền của nhóm bạn mà bạn hang out mà mình sẽ có nhiều câu chuyện thú vị khác nhau. Vì về cơ bản, ẩm thực ẩn hiện đâu đó văn hóa của một khu vực, một quốc gia và cũng tùy vào từng tôn giáo, nề nếp gia đình mà cũng hình thành nên sự lựa chọn khác nhau của mỗi cá nhân nữa. Mà hên lắm, mâm nào của hội sinh viên Việt Nam hay quốc tế, mình cũng từng có cơ hội được ngồi vào nên cũng được khai sáng nhiều thứ.

Đại Học Vaasa (University of Vaasa) và thành phố Vaasa, Phần Lan

Trước hết, để mọi người dễ hình dung, nơi mình theo học là Đại Học Vaasa, tọa lạc tại thành phố Vaasa, là thủ phủ chính và thành phố biển nằm ở miền Trung Phần Lan, vùng Ostrobothnia. Theo trường mình thì Vaasa là “thành phố nắng nhất của Phần” [cái hình ảnh “nắng chói chang tưng bừng nhất Phần Lan” là một điểm quá sáng để mình theo học ở trường, khi nghĩ tới mùa đông -20 độ]. Nói là một thành phố, nhưng mọi người có thể hình dung, tổng số dân ở toàn vùng miền Trung này vào tầm 190,000 người trong đó thành phố Vaasa khoảng 67,000 dân (theo Wikipedia 2021). Tổng dân số Phần Lan là vào 5 triệu dân, chưa bằng dân số Sài Gòn nữa (nghe đâu là 8.8 triệu rồi). Nói tiếng là thành phố biển nhưng chủ trương Vaasa tập trung nghiên cứu và phát triển năng lượng tự nhiên chứ không có du lịch nhiều, các ngành ví dụ như: năng lượng mặt trời, năng lượng gió v..v.. Một số công ty đa quốc gia có trụ sở đặt tại Vaasa là ABB và Wartsila.

Ngoài ra, với lịch sử khá đặc biệt thì dân vùng này thuộc diện song ngữ, khả năng cao gia đình bản xứ nào bạn gặp cũng sẽ nói tiếng Phần Lan và tiếng Thụy Điển (mình chứng kiến luôn rồi vì các gia đình bản xứ mình tiếp xúc, bố mẹ con cái trộn hai thứ tiếng khi nói chuyện với nhau nhưng vẫn có khả năng trả lời mình bằng tiếng Anh rất mượt mà khi được hỏi ngang). Chính vì ngôn ngữ văn hóa như vậy nên ở đây, bạn sẽ thấy có thêm 2 trường Đại Học khác sử dụng tiếng Thụy Điển là Abo Akademi và Hanken. Nghe nói là do các quý tộc Thụy Điển khi xưa qua đây, con cái ở lại và tài trợ mở trường nên có sự hình thành như vậy. Về ngôn ngữ thì thật ra tiếng Thụy Điển của người Phần và tiếng Thụy Điển của người Thụy Điển sẽ khác nhau về giọng điệu, cách phát âm cho đến từ vựng [đây là sau khi học tiếng ở Phần và qua Thụy thì có thấy vậy và cô giáo mình cũng nói thế]. Tuy vậy, về thói quen ẩm thực thì đúng là người dân ở đây, đặc biệt những người gốc Thụy Điển vẫn còn giữ một truyền thống gia đình lâu đời.

Nói như vậy để mọi người thấy, bản chất thành phố này đã có sự giao thoa văn hóa nên người dân theo mình cảm nhận, khá là cởi mở. Ngoài ra, trường Đại học Vaasa nơi mình theo học, khá nổi tiếng trong việc thu hút sinh viên quốc tế theo học chương trình Thạc Sỹ toàn thời gian (full-time) hoặc theo diện trao đổi (exchange). Nói chính xác hơn, Vaasa của Phần được gọi là University City (thành phố đại học) nên bạn luôn cảm giác thành phố “thay máu” hằng năm vào các mùa tựu trường khi các lớp sinh viên kéo nhau qua đây học.

Một điểm mình nghĩ cũng góp phần kéo bọn mình lại gần nhau hơn là Vaasa, nói là thủ phủ, nhưng không có nhiều cơ sở vật chất phục vụ cho việc ăn chơi nhảy múa như thủ đô (Helsinki) hay các thành phố vệ tinh khác như Tampere hay Turku. Bởi vậy, ngoài việc đi lên trường học, đi qua thư viện mượn sách và đi lên khu trung tâm thì sinh viên đa phần là hoạt động trong phòng hoặc đi ngắm cây ngắm lá ngắm biển cho vui vậy thôi. Vì lẽ đó, những dịp tụ họp, nhất là với bọn sinh viên năm nhất là một việc không thể thiếu.

Các kiểu tụ họp ăn uống của du học sinh

Tụ họp kiểu Châu Á – Hot pot hot pot hot pot – Ăn Lẩu

Tính ra buổi tụ họp đầu tiên của mình tại Phần Lan là vây xung quanh nồi hot pot cùng mấy bạn sinh viên người Việt. Lúc này, khi nhóm sinh viên Việt Nam đã qua đầy đủ, ổn định nhà cửa, giấy tờ các thứ thì trời cũng lành lạnh, đủ để một nồi lẩu sưởi ấm và gắn kết bao nhiêu cái bao tử xa nhà. Quy trình ăn uống lẩu thì ở Việt Nam hay ở nước ngoài cũng vậy thôi, sinh viên chia việc ra mua sắm và cùng tụ lại một nhà nấu ăn tám tít, rồi a lê hấp quây quần quanh cái nồi.

Tất nhiên, Hot Pot không chỉ phổ biến ở Việt Nam mà còn là tinh hoa của nguyên khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Có một lần mình cũng ngồi ăn Hot Pot với mấy bạn người Hoa và Hongkong thì thấy có chút khác. Trước tới nay đã nghe, nhưng chưa lần nào thực sự hiểu “tả pí lù” là như thế nào, thì lần đó là hiểu cặn kẽ luôn.

Kiểu ăn này là trường phái “tủ lạnh còn gì thì cắt gọt ra bỏ vào hết”. Có lẽ quyết định nồi lẩu tả pí lù ngon hay dở là việc chọn gói gia vị chính cho cả nồi. Thường thường, mấy bạn ấy dùng các gói gia vị lẩu chua cay (rất cay nhé), bỏ vào nồi nước sôi, cho nước lẩu hòa tan ra, rồi ai ăn cái gì thì bỏ vào. Nhưng, chính vì các nguyên liệu tả pí lù này, mà tuyệt nhiên, không có đứa nào dùng nước lẩu cả. Nó đơn giản chỉ là cái nước để trụng và làm chín đồ ăn thôi. Ngộ ghê ha.

Tụ họp kiểu sinh viên quốc tế – Kiểu 1 – BYOB

BYOB – Bring Your Own Bottle (Đem Chai Nước của Bạn theo). Đọc là hiểu ha, rất là gọn gàng và sòng phẳng. Muốn tụ họp thì thông thường người tổ chức sẽ chọn một không gian nào đấy. Với một đất nước 8 tháng là mùa tuyết thì khi nào trời nắng không quá rét, thì các bạn sẽ thích ra bãi cỏ hay bãi biển ngồi chơi nói chuyện. Người chủ xị sẽ nhắn địa chỉ và giờ giấc, đồ ăn thức uống thì bạn nào muốn ăn gì thì tự đem theo. Thông thường bọn nó sẽ đem các món ăn finger food, bịch snack hay hộp dâu trái cây và một hai lon bia, cider gì đấy đến ăn hoặc mời nhau góp vui.

Lần đầu mình đọc cái cụm này mình chả hiểu là viết gì, nên cái hôm các sinh viên quốc tế hẹn nhau picnic ngoài công viên, mình cũng cứ đến thôi mà không có chuẩn bị gì cả. Đến nơi thì thấy cả đám đã trải bạt đứng, ngồi networking rất chi là sôi nổi. Phải nói thêm, đa phần các kiểu tụ tập này thường diễn ra với những người không quen biết nhau từ trước, như một dạng sự kiện networking ấy. Đây chính xác là cơ hội cho mấy bạn hướng ngoại tỏa sáng.

Buổi gathering hôm đấy được tổ chức bởi các bạn mentor của trường mình. Mentor kiểu như các sinh viên lớp trên, tình nguyện hướng dẫn và gắn kết các bạn sinh viên mới với nhau. Nên tính ra là tụ họp sinh viên thôi. Các mentor cũng chuẩn bị trước mấy trò chơi ngoài trời để mọi người làm quen nhau. Đa phần là các sinh viên quốc tế đi trao đổi bậc cử nhân và những dạng networking như này thường rất ít có sự tham gia của sinh viên Châu Á.

Ời, lần đó mình ham vui, và cũng do mấy đứa bạn cùng nhà nó rủ đi. Cũng vui nhưng hem hợp với mình lắm vì đông quá mà mấy bạn này … trẻ quá. Ngồi chơi không bao lâu thì cả bọn kéo nhau về nhà mấy bạn mentor vì trời quá lạnh (8h tối, trời còn sáng nhưng gió rít ngoài biển Bắc Âu thì thôi nên đi vào nhà). Mình phần vì tưởng bở “gathering” là ngồi ăn uống gì đấy, phần vì nhóm mấy bạn này cũng trẻ quá … nên ngồi chơi không bao lâu thì đi về. Nói như vậy, không có nghĩa là nếu bạn không tham gia mấy sự kiện này thì sẽ không quen được bạn bè quốc tế nào hết. Bởi vì mình sẽ có kiểu 2.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

DMCA.com Protection Status