Minh Ngoc's Journey

A Life Traveller – A Storyteller – A Writer

NOEL ở Bắc Âu

Christmas-Market-Helsinki-2019

Hôm nay là Chủ Nhật đầu tiên của tháng 12, nhưng lại là ngày Advent thứ 2 trong chuỗi 4 ngày Advent counting down đếm ngược đến Noel. Ở Bắc Âu lâu một chút, mình có thời gian để ngấm dần cái không khí lễ hội và cách mà người dân ở đây từ từ âm thầm chuẩn bị cho dịp lễ lớn nhất trong năm là như thế nào. 

Ngay từ bé, những mẩu chuyện về ông già Noel được ông nội kể lồng ghép những đêm khuya khoắt được ba chở đi dạo các xóm đạo xem người người lên đèn, con bé Minh Ngọc từng ước ao nhiều lắm. Khi đó, Noel trong mình còn là ngày được ông già Noel tặng quà. Cho tới trạc 8-9 tuổi gì đấy, ba bảo ba chỉ giả vờ làm ông già Noel thôi, nay ba lười rồi, ba tặng quà sinh nhật là đủ. Noel hết vui. Ha ha. Nói chung là nó nhăng nhít và có màu sắc ham vui. Bản thân không phải một con chiên, mình khó mà cảm nhận được sự linh thiêng của dịp lễ này như các bạn có đạo. 

Truyền thống Advent của Bắc Âu

Tuy vậy, từ ngày đi du học, cái không khí rất riêng này sẽ khó mà không cảm nhận được, đặc biệt cứ tầm cuối tháng 11 đầu 12 như hiện nay. Chắc bạn cũng biết rồi, tôn giáo chính của khu vực Châu Âu là Thiên Chúa Giáo (còn Tin Lành và các nhánh khác nữa nhưng mình không rành lắm). 

Ở các nước Bắc Âu từ Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan tới Đan Mạch, vào ngày Chủ Nhật Advent đầu tiên, bạn sẽ thấy nhà nhà sẽ treo dần một ngôi sao ngay cửa sổ của họ và thắp một ngọn đèn cầy. Hành động này chính thức báo hiệu còn 4 tuần nữa là ngày Chúa Giáng Sinh. Nghi thức này nhà nào cũng thực hiện. Trước đây khi coi phim Mỹ, mình chỉ biết tới vụ quây quần mở quà thôi. Ấy vậy, khi được bạn giải thích và hiểu dần phong tục ở đây,  mình mới bất ngờ về truyền thống và tín ngưỡng của khối Bắc Âu.

Trong suốt 4 tuần lễ đó, ngôi sao sẽ luôn luôn được chiếu sáng tại các ô cửa sổ. Truyền thống này xuất phát từ Đức và du nhập vào Thụy Điển và có ảnh hưởng nhiều nhất ở đây. Đây là ngôi sao Bethlehem huyền thoại đó. 

Advent - to -Noel
Counting Down to Noel với ngày Advent

Và cũng từ lúc ngọn đèn cầy đầu tiên được thắp, cứ tới Chủ Nhật của tuần tiếp theo, lại một ngọn đèn cầy khác được thắp lên. Đếm ngược dần khi bạn đã thắp sáng đủ 4 ngọn đèn cũng là lúc gia đình quây quần mừng Chúa Giáng Thế. 

Noel đầu tiên xa nhà của mình

Mình còn nhớ Noel đầu tiên khi là du học sinh, mình đâu được biết những phong tục và nghi thức này. Vào thời điểm này của 5 năm trước, mình vẫn còn miệt mài ngày ngày cắp laptop lên thư viện trường học cho kịp kế hoạch đi du lịch. Là sinh viên quốc tế, chuyện có ở lại hay không nước mình đang học là câu hỏi khó trả lời lắm. Nên thời đấy, cái mình và lũ bạn thường làm là tranh thủ đi chơi cho kì hết những địa danh muốn đi. 

Thư viện Vaasa mùa Noel
Đẹp như tranh ha, thư viện trường mình nhìn ra biển

Còn nhớ, mùa Noel đầu tiên, mặc dù bài vở đến là căng thẳng, nhưng sự ham chơi của mình còn nhiều hơn. Ngay từ tháng thứ 2 khi mới nhập học, hội sinh viên đã lên kế hoạch đi lên Cực Bắc với Làng Ông Già Noel, ngắm Bắc Cực Quang, tham gia xông hơi sauna, đi ice-swimming (ngâm mình trong hồ nước đá) và lái xe với những chú chó husky. Nghe hấp dẫn ha! Nên mặc dù  mới qua, chưa biết tiền bạc thế nào, lúc đấy nghe được trợ giá sinh viên và những suy nghĩ “Không biết năm sau còn ở đây không mà chơi, thôi đăng kí rồi đi làm bù tiền sau.” Thế là từ giữa tháng 11 năm đó, mình và mấy đứa bạn cùng nhà đi lên Lapland chơi.

Lần đầu tiên biết Đến chợ Noel Châu Âu

Chuyến đấy đi chơi về, bài vở chất đống, mà mùa Noel xa nhà, bọn bạn Châu Âu thì mua vé về nhà, chả nhẽ mình về Việt Nam? Có những bạn khác sẽ cày việc mùa Noel để dành mùa sau. Với mình, đi chơi vui sẽ cần có bạn đồng hành vui và có mood để đi. Thế là năm đó, 2016, Scarlett (con bạn cùng nhà người Hồng Kông) nó rủ một chuyến Nam Âu và lý do nó đưa ra rất chính đáng “chỉ có Noel người ta mới dựng sạp làm Christmas Market thôi, bây giờ không đi năm sau không biết còn ở đây không mà đi, nên phải đi thôi”. 

Gật đầu lia lịa, hai đứa book vé máy bay cái rụp. Mà bạn biết rồi, nếu muốn đi chơi tầm giờ đó, thì bạn nên mua vé ngay từ tháng 10 rồi. Noel là lúc người người về nhà mà, giống Tết vậy đó. Kế hoạch năm đó bọn mình đi tàu qua Tallinn, Estonia chơi; rồi bay từ Helsinki qua Warsaw, Ba Lan; rồng rắn xe bus, xe lửa qua Krakow, tới Prague của Czech qua Munich, tòn ten xe lửa lên khu núi tuyết giao nhau giữa Đức – Áo, lại lên Frankfurt và cuối cùng là Berlin. Đó là chuyến du lịch triền miên đầu tiên tiêu tốn của mình 2 tuần và chạy sô hết các địa danh. Cứ mỗi một nơi, bọn mình lại check in một Chợ Noel. 

Noel Christmas Market
Một sạp hàng tại chợ Noel tiêu biểu ở Anh nè

Bỏ qua một bên từng nước có gì khác nhau, chung quy lại khi bạn đi chơi mùa Noel, chắc chắn bạn nên ghé qua các khu Christmas Market. Mỗi một thành phố lại có truyền thống trang trí chợ rất hoành tráng và mỗi nơi một kiểu với các đặc sản riêng của họ. 

Tuy nhiên, nếu sơ lược qua, khi nhắc đến Noel, chắc chắn bạn cần phải thử một ly Mulled Wine (mà người Thụy Điển gọi là Glogg và Phần  Lan gọi là Gloggi). Tùy vào tửu lượng của từng nước, độ cồn của từng ly rượu được pha sẽ khác nhau ở các quốc gia. 

Mulled Wine hay Rượu Gloggi là gì? 

Đây là một thức uống có cồn, có vị ngọt, uống nóng. Đi bất cứ chợ nào bạn cũng bắt gặp vài quầy gloggi. Mình từng đi uống thử mỗi chợ hai ba quầy cho biết sự khác nhau vì loại thức uống này không chỉ có hương của quế, của cardamon (thảo quả) mà nó còn được nấu cùng nho khô và vài lát hạnh nhân khô nữa. Cốt rượu lại khác giữa các vùng. 

Lần đó, bọn mình mua một chai Gloggi pha sẵn, cô bạn người Czech bỏ lên nồi, pha cùng một chút vang đỏ, thêm nhiều nho khô và hạnh nhân. Trong chai rượu cốt đã có đường rồi nên không cần nêm nếm nhiều nữa.  

Gloggi Mulled Wine
Có thể nấu với cam nữa, cho thêm hồi quế và hạnh nhân

Thường đi kèm với một ly rượu như này, bạn sẽ cần ăn một cái gì đó để không say. Món ăn thông dụng ở các chợ là một vài lát xúc xích hun khói, ăn kèm bắp cải ngâm. Còn ăn Noel theo kiểu người Thụy Điển, họ sẽ có một bàn tiệc Smorgasbord – nghĩa là mỗi thứ  một chút. Nó là kiểu buffet của mình ấy. Trên bàn tiệc đó, đa phần là khoai tây đút lò, khoai tây sốt kem, cá hồi xông khói, vài loại cheese khác nhau, bánh mì nướng dài, trứng luộc sốt kem v..v… Nói chung là chính vì món rượu có vị ngọt, các món ăn kèm sẽ mặn để tôn vinh lẫn nhau. 

Thưởng rượu Gloggi hay Mulled Wine như thế nào? 

Nói như vậy không có nghĩa là rượu này nhẹ nhé. Thông thường, nồng độ cồn sẽ rơi vào 7 đến 11 độ là trung bình, đó là khi họ pha theo công thức Gloggi + vang đỏ. Nhưng nếu bạn gặp các khu vực nặng đô (như Đức chẳng hạn), khả năng xiểng niểng dù chỉ một ngụm là có, vì họ có thể pha với các loại brandy hay rượu khác có độ cồn cao hơn (22 độ). Mình còn nhớ lúc nhấp một ngụm ở Berlin, mình cần 1 phút lấy lại thăng bằng giữa trời đông tuyết rơi xung quanh. Vội vàng đi mua ngay một cây xúc xích.  

Vậy nên, để có những cuộc vui vừa đủ và trọn vẹn ở các chợ với mình, sẽ là vừa đi ăn đặc sản khu đó (xúc xích, churros, bánh mì …) rồi hãy mó tới các quầy rượu. 

Sausage - Noel market in Talinn
Xúc xích được bày trong chợ Noel ở Talinn, Estonia

Nhưng nhớ, nếu có dịp đến Châu Âu mùa Noel, chắc chắn bạn nên thử. Vì giữa cái lạnh cắt da cắt thịt của trời Âu, cầm trên tay một ly gloggi thôi đã thấy ấm hẳn rồi. Nhấp một ngụm rượu vào, cái vị ngọt hơi nồng của cồn, hòa lẫn với hương vị quế và quả thảo đặc trưng, thở ra một hơi, bất giác cái lạnh nó thi vị hơn nhiều. Nhấm nháp vài quả nho khô và hạnh nhân từ rượu nữa, u là trời, thiên đường giữa chốn chợ kẻ lạ người đông. Thích lắm á!

Bài viết này là cảm hứng để mình viết lên bài Giáng Sinh Thụy Điển giữa  mùa dịch. Bạn có thể đọc bài báo đó ở đây. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

DMCA.com Protection Status